Tiền nóng “thổi” cổ phiếu nhỏ và những bài học chưa cũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền đổ mạnh vào nhóm cổ phiếu thị giá nhỏ giúp nhiều cổ phiếu chinh phục thành công mệnh giá sau nhiều năm nằm sâu ở vùng dưới 5.000 đồng/cổ phiếu.
Tiền nóng “thổi” cổ phiếu nhỏ và những bài học chưa cũ

Cạn cổ phiếu dưới mệnh giá

Kể từ giữa tháng 7 đến nay, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển mạnh từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm nhỏ và vừa, giúp nhóm này có mức tăng ấn tượng. Nếu như giai đoạn từ 16/7 - 16/11/2021, chỉ số VN-30 chỉ tăng 5,5%, chậm hơn mức tăng 12,9% của chỉ số VN-Index thì chỉ số Smallcaps đạt mức tăng gần 60%.

Biểu đồ tương quan chỉ số VN-Index và chỉ số Smallcaps. Nguồn: Investing.

Biểu đồ tương quan chỉ số VN-Index và chỉ số Smallcaps. Nguồn: Investing.

Trong 2 tuần trở lại đây, nhóm smallcaps có dấu hiệu tăng nước rút khi hàng loạt cổ phiếu đều tạo “gap” ngay trong phiên và hàng loạt cổ phiếu nóng như LDG, ITA, TTF, HID, HHS, DAG, HUT, QCG, TTB… vượt mệnh giá.

Nhiều cổ phiếu từng nhiều năm nằm sâu dưới mệnh giá như HNG, HAG, AMD, ROS, HQC, HAI, KLF… cũng đang bừng bừng tiến về vùng giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu nhỏ khiến cổ phiếu dưới mệnh giá đang là… “hàng hiếm” trên thị trường.

Thời điểm 1/6/2021, trên sàn HOSE, có 76 mã có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tới 18/11/2021, chỉ còn 22 mã.

Theo thống kê của SSI Research, tại thời điểm 1/6/2021, trên sàn HOSE, có 76 mã có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tới ngày 18/11/2021, số mã có thị giá dưới mệnh giá chỉ còn 22, tức giảm 71,1% sau hơn 5 tháng.

Việc dòng tiền chảy mạnh vào nhóm smallcaps cũng không có gì khó hiểu. Số lượng nhà đầu tư mới (F0) liên tục lập kỷ lục mới, với khoảng 1.086.000 tài khoản được mở mới từ đầu năm đến nay, nâng tổng số tài khoản lên 3,86 triệu tài khoản. Nhà đầu tư mới thường có xu hướng yêu thích đầu tư vào cổ phiếu nhỏ, khiến nhóm này trở thành địa chỉ hút dòng tiền.

Anh Đỗ Hoài Nam, nhà đầu tư tại TP.HCM mới tham gia thị trường từ tháng 2/2021 cho biết: “Với số tiền 200 triệu đồng tham gia ban đầu, việc mua cổ phiếu có thị giá từ 50.000 đồng/cổ phiếu trở lên sẽ dẫn tới việc chỉ mua được rất ít cổ phiếu. Chính vì vậy, tôi chỉ đầu tư vào các cổ phiếu có thị giá dưới 20.000 đồng/cổ phiếu để sở hữu số lượng nhiều hơn”.

Ngoài ra, kể từ khi thị trường bước vào giai đoạn hồi phục cuối tháng 3/2020 tới nay, thị giá của các cổ phiếu LargeCaps và MidCaps đều đã trải qua chuỗi tăng điểm dẫn tới thị giá cũng không còn quá hấp dẫn nhóm nhà đầu tư F0 ưa thích mua cổ phiếu thị giá thấp, điều này cũng thôi thúc dòng tiền chảy tới nhóm smallcaps như thời điểm hiện tại.

Anh Nguyễn Văn Hùng (Đồng Nai), một nhà đầu tư F0 khác chia sẻ, dù biết rằng “cổ phiếu blue-chips giá cao hơn, tình hình kinh doanh nhóm cổ phiếu trụ sẽ ổn định hơn” nhưng anh vẫn chọn cổ phiếu nhỏ vì biến động giá rất mạnh. Cổ phiếu vốn hoá lớn do thị giá cao về danh nghĩa biến động điểm số lớn, nhưng tỷ suất sinh lời lại không đáng kể so với nhóm smallcaps.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại các thị trường chứng khoán mới nổi trên thế giới, khi thị trường chứng khoán có nhịp tăng mạnh mẽ kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, thu hút làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường.

Theo Bloomberg, chỉ số cổ phiếu vốn hoá nhỏ của các thị trường mới nổi đã tăng lên mức cao nhất trong 5 năm và vượt trội so với các cổ phiếu trụ. Tính tới đầu tháng 11/2021, chỉ số MSCI cổ phiếu vốn hoá nhỏ của thị trường mới nổi đã tăng 18% trong năm nay, vượt trội so với mức tăng 1% của chỉ số chung MSCI.

Tương quan chỉ số cổ phiếu smallCaps của thị trường mới nổi với thị trường phát triển. Nguồn: Bloomberg.

Tương quan chỉ số cổ phiếu smallCaps của thị trường mới nổi với thị trường phát triển. Nguồn: Bloomberg.

Nếu so với chỉ số smallcaps của thị trường mới nổi và thị trường phát triển, kể từ đầu năm tới đầu tháng 11/2021, đà tăng của nhóm chỉ số smallcaps thị trường mới nổi vượt trội hơn so với thị trường phát triển. Theo đó, giới đầu tư tại các thị trường mới nổi đang chọn đầu tư vào các khoản đầu tư nhỏ, khoản tiền bỏ ra có thể chia nhỏ nhiều phần, thay vì nhóm cổ phiếu trụ với thị giá cao, dẫn tới sở hữu được lượng cổ phiếu ít hơn và đặc biệt là nhóm cổ phiếu có tính nhạy cảm về chu kỳ kinh tế khi các nền kinh tế mới nổi đều kỳ vọng bước vào giai đoạn hồi phục hậu đại dịch Covid-19.

Những bài học chưa cũ

Dòng tiền đầu cơ ngắn hạn chảy mạnh vào các cổ phiếu nhỏ khiến thị giá các cổ phiếu này tăng nóng, chạy xa giá trị thật của doanh nghiệp. Điểm lại một số cổ phiếu có chuỗi tăng nóng trong thời gian vừa qua như Gỗ Trường Thành (TTF), trong 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lợi nhuận giảm 78,8% so với cùng kỳ, về còn 52,15 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính tới 30/9/2021 lên tới 3.041,77 tỷ đồng và bằng 97,7% vốn điều lệ.

Tại Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG), trong 9 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lãi 38,1 tỷ đồng, giảm 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dự án quan trọng nhất của Công ty là Phước Kiển với diện tích 51 ha đang gặp rắc rối về pháp lý. Nhìn chung, tài sản lớn nhất và vấn đề trọng yếu của Công ty chưa được giải quyết.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Tasco (mã HUT), từ năm 2019 tới nay, hoạt động kinh doanh chính (lợi nhuận gộp trừ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) không đủ để trả lãi vay.

Cụ thể, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính năm 2019 âm 40,7 tỷ đồng, năm 2020 âm 261,4 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2021 âm 152,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí lãi vay từ năm 2019 đến 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt là 255,8 tỷ đồng, 197,3 tỷ đồng và 231,6 tỷ đồng. Với dư nợ tính tới 30/9/2021 lên tới 5.312,3 tỷ đồng, ước tính, Công ty sẽ phải trả hơn 200 tỷ đồng lãi vay một năm, chưa kể tới việc trả một phần nợ gốc.

Việc đầu tư vào cổ phiếu có thị giá nhỏ, kết quả kinh doanh yếu kém giai đoạn vừa qua đã giúp nhiều nhà đầu tư vui vẻ khi giá trị khoản đầu tư có thể nhân lên bằng lần. Tuy nhiên, khi tất cả nhà đầu tư trong cơn say chiến thắng, việc cảnh báo rủi ro khi cầm “cục than hồng” là điều cần thiết.

Có quá nhiều bài học từ quá khứ về câu chuyện cổ phiếu smallcaps “lên cao tít, rơi mất hút”. Trong đó, sóng cổ phiếu đầu cơ tăng mạnh nhất từ tháng 1 - 7/2017, chỉ số Smallcaps tăng 26,3% từ 751,6 điểm lên 949,4 điểm. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó trải qua chuỗi giảm điểm liên tục, đến cuối tháng 12/2018 giảm 20,6% so với đỉnh về 754 điểm và ngay vùng trước khi tăng; đến tháng 3/2020, giảm 36,7% từ đỉnh về còn 601 điểm.

Chính cổ phiếu QCG đã từng có nhịp tăng chóng mặt, từ 3.910 đồng/cổ phiếu tại ngày 13/3/2017 lên 26.420 đồng/cổ phiếu vào ngày 19/6/2017, tương đương mức tăng 575,7%, nhờ thông tin công ty này sẽ ghi nhận khoản lãi đột biến từ dự án Phước Kiển. Để rồi sau đó, cổ phiếu này đã rơi vào giai đoạn giảm giá kéo dài tới 3/2/2020, tức giảm 86,6% so với đỉnh về 3.550 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả trước chân sóng hồi năm 2017.

Hay cổ phiếu HAI (Công ty cổ phần Nông dược H.A.I) trong giai đoạn từ 19/6 đến 31/7/2017 ghi nhận mức tăng 421,2%, từ 3.780 đồng/cổ phiếu lên 19.700 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó, cổ phiếu trải qua giai đoạn giảm mạnh kéo dài đến 3/6/2019 còn 1.590 đồng/cổ phiếu, tức giảm 91,9% so với đỉnh.

Nhìn chung, sau giai đoạn tăng nóng, các cổ phiếu smallcaps có xu hướng đảo chiều và về thấp hơn vùng trước khi tăng. Chính vì vậy, nếu nhà đầu tư không kịp thoát ra đúng thời điểm, rất có thể sẽ phải chịu rủi ro “cháy tài khoản” sau khi cơn sốt chứng khoán thị giá thấp qua đi.

Ngày hôm qua (22/11) là một phiên như vậy!

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục