Tiền nhàn rỗi khó tìm hướng ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỗi khi lãi suất xuống thấp, tiền nhàn rỗi có thể kích một kênh đầu tư nào đó tăng nóng như bất động sản, vàng, chứng khoán... Đưa dòng tiền này vào sản xuất - kinh doanh là ưu tiên cần xử lý.
Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi đã tương đương cả năm 2022 Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tiền gửi đã tương đương cả năm 2022

Ở tạm ngân hàng

Thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của hệ thống ngân hàng thương mại đã về mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, dao động từ 4,78%/năm đến 5,29%/năm, thấp hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19. Tại nhóm ngân hàng có cổ phần Nhà nước chi phối, lãi suất huy động còn thấp hơn, khi Agribank, BIDV, VietinBank áp dụng 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng từ đầu tháng 12/2023; còn Vietcombank áp dụng lãi suất 4,8%/năm kể từ cuối tháng 11/2023.

Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư trong hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm ngoái. Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư là 6,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,95%; số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế nhích thêm 4,65%, lên 6,23 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, tiền gửi của dân cư đã tăng thêm gần 583.500 tỷ đồng, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 276.900 tỷ đồng.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm qua, tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư đã ghi nhận mức tăng trưởng xấp xỉ cả năm 2022. Nếu so với cùng kỳ năm 2022, tiền gửi của tổ chức kinh tế đã tăng trưởng nhanh gấp đôi, còn tiền gửi của dân cư tăng nhanh gấp rưỡi. Từ năm 2020 trở về trước, tiền gửi của tổ chức kinh tế thường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, gấp nhiều lần so với tăng trưởng tiền gửi của dân cư, nhưng 2 năm trở lại đây, xu hướng này đã đảo ngược.

Lý giải điều này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, lý do tiền gửi doanh nghiệp “đuối” hơn là vì đang thiếu tiền, trong khi e ngại sử dụng vốn vay bởi áp lực chi phí lớn. Trước kia, doanh nghiệp dùng ngân hàng như một kênh để cất trữ tiền. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế ảm đạm, hoạt động kinh doanh ngày càng khó khăn, doanh nghiệp phải rút tiền ra để trang trải chi phí nên tiền gửi đã giảm xuống. Ngược lại, dù lãi suất thấp, nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng, bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản đang kém hấp dẫn. Trong đó, với kênh đầu tư bất động sản, dù thị trường trầm lắng nhưng giá bất động sản vẫn tăng và đòi hỏi phải có nguồn tiền lớn nên khó thu hút được nhà đầu tư, còn thị trường chứng khoán biến động khó lường và rủi ro cao. Do đó, gửi tiết kiệm vẫn là ưu tiên của người dân.

Một chuyên gia phân tích tài chính nhận định, do tình hình nền kinh tế vĩ mô còn đứng trước nhiều thách thức, bất định, người dân vẫn sẽ lựa chọn kênh tiền gửi, thay vì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán hay sản xuất - kinh doanh. Trong 10 năm gần đây, các kênh đầu tư quen thuộc nhất ở Việt Nam là bất động sản, sau đó tới chứng khoán và cuối cùng mới là sản xuất - kinh doanh. Do đó, khi các kênh đầu tư này chưa có tín hiệu khởi sắc rõ ràng thì tiền gửi vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của người dân.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, hiện người dân và doanh nghiệp đang không có lựa chọn thay thế.

“Kênh nào cũng rủi ro, chứng khoán cũng rủi ro, bất động sản cũng vậy, vàng thì giá lại quá cao. Nhìn lại thì cũng chỉ có cách gửi tiết kiệm để bảo toàn vốn”, ông Huân nói.

Chờ hướng ra

Dù lãi suất thấp, nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản... đang kém hấp dẫn.

TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế

Không chỉ tiền gửi có kỳ hạn gia tăng, mà tiền gửi không kỳ hạn cũng cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đến quý III/2023 tại Techcombank đạt 409.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm và 7,1% so với quý trước.

Với tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 7,6%, ACB tiếp tục vượt mức trung bình ngành (6%), từ đó giúp gia tăng thị phần huy động. Quy mô tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này cũng tăng trưởng tốt trong quý III/2023 và phục hồi so với mức đầu năm nay.

Tỷ lệ CASA tại Vietcombank đã tăng lên mức cao nhất trong 9 tháng đầu năm, đạt gần 400.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý III/2023, gần tương đương mức cuối năm ngoái. Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của nhà băng này, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng huy động từ dân cư tại thời điểm cuối tháng 9/2023 đạt hơn 29,5%.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, nhà đầu tư cá nhân vẫn chờ đợi những kênh khác khởi sắc để đầu tư, nhưng hiện nay chưa phải là thời điểm thích hợp nên tiền vẫn nằm trong ngân hàng. Còn với doanh nghiệp, những khó khăn về sản xuất - kinh doanh khiến doanh nghiệp để tiền trong ngân hàng và chờ đợi thời điểm sử dụng.

Cùng chung nhận xét này, PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, đây chính là cơ hội cho các nhà băng tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn, tối ưu hóa dòng vốn, giảm chi phí, góp phần tác động tích cực lên lợi nhuận. Thế nhưng, tiền gửi cũng chỉ là một kênh để “bảo toàn vốn” trong bối cảnh thị trường khó khăn, nên năm 2024, xu hướng dòng tiền đổ xô gửi tiết kiệm sẽ khó duy trì khi những kênh đầu tư khác bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.

Cũng theo ông Huân, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 còn đối mặt nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Việc đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc chủ yếu vào tình hình tài chính, kiến thức, kinh nghiệm của từng cá nhân và điều quan trọng nhất là tuỳ theo khẩu vị rủi ro của mỗi người. Nếu khẩu vị rủi ro cao, nhà đầu tư có thể tranh thủ “bắt đáy” bất động sản hay chứng khoán, nếu thấy được cơ hội đầu tư tốt. Ngược lại, nếu khẩu vị rủi ro thấp thì gửi tiết kiệm ngân hàng vẫn nên được ưu tiên. Nhà đầu tư cũng có thể phân chia tỷ lệ nhỏ nguồn tiền sang một số kênh khác, nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là “không bỏ trứng vào một giỏ” để phân tán rủi ro.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cũng cho rằng, thị trường chứng khoán đang đi vào giai đoạn tích lũy, khó có thể giảm sâu hơn. Chứng khoán trong nước giảm chủ yếu do bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới, còn các yếu tố vĩ mô trong nước đều tốt. Theo ông Khánh, nếu năm 2022, tiền gửi tiết kiệm là kênh đầu tư tốt nhất; năm 2023, chứng khoán là kênh đầu tư tốt nhất thì sang năm 2024, chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư số 1 tại Việt Nam. Thị trường bất động sản sẽ phục hồi sau thị trường chứng khoán, sớm nhất cũng phải nửa cuối năm 2024.

Vi Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục