Tiền mới chọn cả hai thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không riêng thị trường chứng khoán cơ sở trở nên nhộn nhịp, thị trường phái sinh cũng chứng tỏ sức hút mạnh mẽ, với số tài khoản tham gia đạt trên 120.000 vào cuối tháng 6.
Tiền mới chọn cả hai thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh

Dòng tiền quay lại thị trường cơ sở

Sau giai đoạn hồi phục mạnh mẽ từ cú sốc đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán đã có các phiên điều chỉnh và dần chững lại vào cuối tháng 6, trước khi tiếp tục khởi sắc hơn trong những phiên đầu tháng 7.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, dòng tiền mới từ các nhà đầu tư mới (F0) chưa hạ nhiệt trên thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Chẳng hạn, chứng khoán Trung Quốc tăng sốc với 7 phiên leo dốc liên tiếp.

Thị trường Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ bong bóng cổ phiếu 5 năm trước. Chỉ số CSI 300 đạt mức cao nhất trong 5 năm, với khối lượng giao dịch gấp hơn 3 lần so với trung bình 3 tháng qua.

Các nhà đầu tư Trung Quốc thể hiện kỳ vọng đà tăng của thị trường được giữ vững khi gia tăng mức độ sử dụng đòn bẩy, đưa giá trị các khoản giao dịch ký quỹ (margin) lên gần 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ (171 tỷ USD), mức cao nhất kể từ cuối năm 2015, theo số liệu của Bloomberg.

Trong khi đó, tại Mỹ, sàn Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên đầu tuần, mà động lực chính tới từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn, bất chấp các ca lây nhiễm Covid-19 tại đây gia tăng, ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng kinh tế.

Những cổ phiếu giành “chiến thắng” vẫn là những tên tuổi nổi bật - nhóm FAANG, bao gồm Amazon, Netflix, Microsoft, Facbook, Alphabet (công ty mẹ của Google). Trong đó, giá cổ phiếu Netflix và Amazon lần lượt tăng 36% và 30% kể từ đầu năm tới nay.

Một tác động lớn của đại dịch tới các thị trường tài chính là việc thúc đẩy làn sóng các nhà đầu tư cá nhân mới tham gia hoạt động đầu tư, sôi động bậc nhất tại thị trường chứng khoán. Các nhà môi giới/cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán hàng đầu nước Mỹ chứng kiến số lượng tài khoản mới tăng 170% trong nửa đầu năm và số lượng tài khoản mở mới liên tục phá kỷ lục cũ.

Tại thị trường Việt Nam, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB, thị trường chứng khoán đã có 3 phiên tăng liên tiếp đầu tuần và thanh khoản cải thiện, một dấu hiệu cho thấy đà tăng đã lôi kéo được dòng tiền mới tham gia.

Chừng nào dòng tiền chưa có dấu hiệu đạt đỉnh, thì đà tăng hiện tại nhiều khả năng vẫn còn tiếp diễn.

Điểm tích cực là dòng tiền tại nhóm cổ phiếu ngân hàng, Vingroup, thực phẩm… có sự luân phiên, đổi vai trò dẫn dắt thành công. Mùa báo cáo bán niên 2020 chuẩn bị bắt đầu và những doanh nghiệp lớn có kết quả khả quan dự kiến sẽ dần xuất hiện. Theo đó, thị trường chứng khoán sẽ có thêm dư địa tăng trưởng.

Giao dịch phái sinh thiết lập kỷ lục mới

Theo thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 20.022.936 hợp đồng, tăng 90% so với cả năm 2019; khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 165.479 hợp đồng, tăng 86,48% so với năm 2019.

Trong đó, phiên có khối lượng giao dịch cao nhất đạt 305.139 hợp đồng vào ngày 12/6/2020, tăng 9,1% so với mức cao nhất trong tháng 5/2020. Đây cũng là mức cao nhất kể từ khi khai trương thị trường.

Tiền mới chọn cả hai thị trường chứng khoán cơ sở và phái sinh ảnh 1

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh tiếp tục tăng. Tại thời điểm cuối tháng 6/2020, số lượng tài khoản đạt 126.147, tăng 6,79% so với tháng 5.

Dù vậy, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước giảm nhẹ, từ 87,74% khối lượng giao dịch toàn thị trường trong tháng 5 xuống 85,39% trong tháng 6/2020.

Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước tăng nhẹ, chiếm 13,81% toàn thị trường; tỷ trọng giao dịch tự doanh của khối công ty chứng khoán trong tháng 6 tăng so với tháng 5, chiếm 1,69%; phần còn lại là của các tổ chức khác.

Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 6/2020 tăng trở lại so với tháng 5, chiếm 0,81% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Về các giao dịch hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, tất cả đều được thực hiện bởi các tổ chức trong nước.

Cân nhắc tỷ trọng danh mục và quản trị rủi ro

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Yuanta chia sẻ: “Thông thường, khi thị trường cơ sở vào pha điều chỉnh thì thị trường phái sinh sẽ rất sôi động. Chúng ta đã chứng kiến pha hồi phục rất mạnh của thị trường trong tháng 4 - 6 và hiện tại, thị trường cơ sở đang đứng trước những ngưỡng kháng cự mạnh, cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, trong ngắn hạn và trung hạn, giao dịch tại thị trường phái sinh sẽ rất sôi động”.

Có nhiều lý do để nhà đầu tư tìm tới thị trường phái sinh như đòn bẩy lớn, biến động cao, thanh toán tức thì, đầu tư được cả 2 chiều (giá lên và giá xuống), phù hợp với khẩu vị của các nhà đầu tư ưa chuộng rủi ro.

Bên cạnh đó, thị trường phái sinh là một công cụ bảo vệ rủi ro rất tốt cho thị trường cơ sở, đồng thời mang tới cơ hội thu về lợi nhuận cao hơn.

Thực tế, thị trường phái sinh là thị trường rủi ro nhất và chưa đóng vai trò là sản phẩm bảo hiểm rủi ro cho danh mục đầu tư của các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư.

Hiện tại, thị trường phái sinh có tính chất đầu cơ cao. Nhà đầu tư không bám sát thị trường và có chiến lược lướt sóng rõ ràng thì rất dễ dẫn đến thua lỗ.

Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia lên tiếng nhắc nhở nhà đầu tư mới cần cân nhắc tỷ trọng danh mục đầu tư cơ sở - phái sinh, cũng như có kỷ luật đầu tư.

Ông Nguyễn Việt Quang cho biết, thị trường phái sinh rủi ro cho cả nhà đầu tư mới cũng như cũ khi cần mức độ tuân thủ kỷ luật cao, cũng như có nguyên tắc và phương pháp giao dịch tốt.

Có 3 yếu tố chính khiến nhà đầu tư đối mặt với rủi ro. Thứ nhất là không kiểm soát được cảm xúc. Với thị trường phái sinh, nhà đầu tư có thể mua bán trong ngày và có thể nắm giữ cả vị thế Long (mua) cũng như Short (bán).

Vì thế, khi nhà đầu tư quản trị cảm xúc không tốt rất dễ dẫn đến mua bán liên tục, chốt lời và cắt lỗ không hợp lý, khiến tài khoản lỗ nặng. Thứ hai, chưa có nguyên tắc và phương pháp giao dịch tốt cũng như kinh nghiệm giao dịch. Thứ ba, mức độ tuân thủ kỷ luật của nhà đầu tư mới còn kém.

Dù dòng tiền vào thị trường phái sinh trở nên sôi động hơn, tuy nhiên, trong dài hạn, lớp nhà đầu tư mới vẫn chủ yếu gắn bó với thị trường cơ sở.

“Đã gần 2 năm kể từ đầu năm 2018 tới nay, thị trường mới đón nhận làn sóng nhà đầu tư F0 gia nhập chứng khoán mạnh mẽ như vậy. Đây tín hiệu tích cực cho thị trường cơ sở, tạo một làn gió mới thổi bùng cho đợt sóng giai đoạn vừa qua, cũng như giúp thị trường phát triển hơn.

Nhưng nhà đầu tư F0 tham gia phần lớn tại thị trường cơ sở, khi họ thấy giá nhiều cổ phiếu tốt về mức hấp dẫn. Một phần nhà đầu tư F0 sẽ chuyển từ cơ sở sang phái sinh, nhưng tôi nghĩ con số này sẽ không lớn”, ông Quang nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cho rằng, về lâu dài, khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư vẫn ưu tiên thị trường cơ sở vì thị trường này gắn với hoạt động doanh nghiệp, diễn biến kinh tế. Tùy từng thời điểm, nhà đầu tư có thể lựa chọn giữa phái sinh và cơ sở để có thể kiếm lợi nhuận tốt nhất.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục