Tiền lớn vào cổ phiếu doanh nghiệp lớn

(ĐTCK) Xu hướng liên tục leo dốc của hàng loạt cổ phiếu lớn như MWG, VJC, FPT, CTD trong gần 2 năm qua, cộng với việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tiển vào cổ phiếu của các công ty đầu ngành khiến cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn đang bị định giá thấp bật tăng trở lại. 
Tiền lớn vào cổ phiếu doanh nghiệp lớn

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đang mạnh dạn tăng sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp lớn.

Nếu quan sát bảng giá thị trường trong 1 tháng trở lại đây, có thể thấy sắc xanh và đỏ khá cân bằng. Tuy nhiên, tập trung chú ý vào biểu đồ giá của các cổ phiếu lớn như FPT, MWG, VJC, CTD, dễ nhận ra mức tăng của các mã này rất đáng kể.

Theo đó, cổ phiếu FPT đã tăng giá khoảng 15% kể từ ngày 23/10 tới nay, khi có thông tin về việc tập đoàn này có thể thu lợi nhuận hơn 1.300 tỷ đồng khi bán cổ phần của FPT Retail và FPT Trading. Hiện tại, FPT đang giao dịch quanh mức 56.000 đồng/cổ phiếu, còn cách khá xa mức giá mục tiêu 80.000 đồng/cổ phiếu mà thị trường đang “truyền tai” nhau hiện nay.

Sau thời gian tích lũy cổ phiếu quanh giá 217.000 đồng/cổ phiếu, mã CTD không điều chỉnh trong đợt giảm khá mạnh của thị trường cuối tháng 10 vừa qua mà tiếp tục tăng lên gần 240.000 đồng/cổ phiếu. Với dự kiến lợi nhuận khủng được hạch toán vào quý IV, giới phân tích cho rằng, CTD vẫn còn rẻ khi định giá ở mức P/E 10 lần so với nhiều cổ phiếu bluechips khác. Mốc giá tiếp theo của CTD đang được thị trường kỳ vọng là khoảng 270.000 đồng/cổ phiếu.

Dù ban đầu, diễn biến giá của VJC hay MWG khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ, tuy nhiên hiện tại, đà tăng bền vững của các cổ phiếu này đã khiến họ an tâm hơn. Cụ thể, cứ sau mỗi lần chia tách cổ phiếu tỷ lệ lớn, VJC và MWG lại tăng giá trở lại với mức cao hơn đỉnh trước. Xu hướng này thể hiện kỳ vọng của thị trường vào khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp và ngành hàng, lĩnh vực công ty đang hoạt động. Mức định giá P/E của các doanh nghiệp này cũng luôn ở mức cao.

Nếu như trước đây VNM là cổ phiếu duy nhất có diễn biến giá tăng đều qua các năm, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư mua cổ phiếu ở mọi thời điểm thì hiện nay, MWG đã gia nhập và VJC hứa hẹn sẽ tiếp bước. Đặc biệt, việc cổ phiếu VNM tăng giá mạnh sau thành công của cuộc đấu giá cổ phần sở hữu nhà nước lần thứ hai là một bất ngờ với thị trường. Sau cú đột phá về thị giá của VNM dưới hiệu ứng đấu giá thành công, thị trường bắt đầu nhìn nhận lại định giá của các cổ phiếu bluechips khác sau một đợt điều chỉnh khá sâu của thị trường.

Cụ thể, 2 cổ phiếu ngành thép là HPG và HSG đã tăng giá trở lại sau chuỗi ngày giảm sâu. Bên cạnh đó, cổ phiếu HSG cũng đã tăng giá 5,5% trong phiên 2 phiên 14, 15/11 dưới lực đỡ của nhà đầu tư ngoại. Khối ngoại đã mua ròng HSG từ 700.000 đến 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên kể từ sau hiệu ứng VNM.

Không riêng HSG và HPG, sau hiệu ứng VNM, các cổ phiếu doanh nghiệp lớn đã tăng giá trong 1 tháng qua tiếp tục xu hướng leo dốc. VJC, MWG, CTD, FPT, IMP, DHG, DMC… đều lập những mức giá mới và lực mua của nhà đầu tư nội và ngoài đều mạnh.

Khi các quỹ nước ngoài quyết liệt mua cổ phiếu của doanh nghiệp lớn và sẵn sàng trả giá cao, nhà đầu tư nội không còn lựa chọn nào khác là mua cổ phiếu của những doanh nghiệp còn lại đang được định giá thấp hơn. Về mặt phân tích kỹ thuật, biều đồ tạo đáy sau cao hơn đáy trước đã chính thức hình thành. Hiệu ứng VNM đã thúc đẩy nhiều cổ phiếu tạo đáy thứ 2 sớm hơn và nhanh chóng hơn.

Ghi nhận thị trường cho thấy, dòng tiền vẫn đang chảy vào những cổ phiếu mà SCIC chuẩn bị thoái vốn, dù nhóm cổ phiếu này đã tăng đáng kể, gồm FPT, BMP, NTP, DMC và VCG. Nhưng đã tăng mà vẫn tiếp tục lên cao hơn nữa là những gì nhà đầu tư kỳ vọng sau hiệu ứng VNM.

Thu Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục