Trái ngược với cảnh khát thanh khoản cuối năm 2022, thời điểm này, các ngân hàng đều trong cảnh thừa tiền.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tính đến thời điểm này, dư nợ tín dụng đã tăng 4,2%, tương ứng số dư tuyệt đối 12.423.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng khoảng 4,16%, tương ứng số tuyệt đối là 12.691.000 tỷ đồng. Có nghĩa là, huy động cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao mức tăng trưởng tín dụng khoảng 11%, như vậy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.
Theo thống kê trước đó của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại các ngân hàng sụt giảm tới 5,02% so với thời điểm cuối năm 2022 song lại được bù đắp bởi nguồn tiền gửi dân cư tăng mạnh tới 7,96%.
Thanh khoản hệ thống dồi dào còn thể hiện qua thị trường liên ngân hàng. Mặc dù các tuần vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày lượng tiền không nhỏ với lãi suất 4,0% ra thị trường, song không có khối lượng trúng thầu nào được ghi nhận. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm thậm chí đã giảm về 0,39% - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 trong phiên giao dịch ngày thứ 5 (29/6). Phiên giao dịch hôm qua (4/7), lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng chỉ dừng ở mức 0,73%.
Lý giải nguyên nhân tiền "ế thừa" dù lãi suất liên tục giảm mạnh, Phó thống đốc Đào Minh Tú đưa ra một số nguyên nhân.
Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Thứ hai, sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỷ lệ rủi ro thấp.
Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới ngành ngân hàng đặt ra yêu cầu phải quản lý tốt, tập trung tăng cường hơn nữa để lãi suất tiếp tục theo hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tỷ giá đang có dấu hiệu nóng trở lại sẽ là điều khiến nhà điều hành phải lưu tâm.
Theo SSI Research, áp lực đối với tiền Đồng vẫn còn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kỳ vọng tiếp tục tăng lãi suất và áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI. Điểm tích cực đến từ dòng vốn FDI giải ngân duy trì khá tốt (đạt 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm - tương đương với cùng kỳ) hay cán cân thương mại thặng dư lớn (ước tính hơn 12 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm) do nhập khẩu giảm.
Ngân hàng Nhà nước mới đây ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN liên quan đến các hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Đánh giá về thông tư này, chuyên gia của SSI Research cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp khuôn khổ pháp lý rõ ràng cho các tổ chức tín dụng, với việc cho phép các tổ chức tín dụng được tự chủ, linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay của mình.
“Điều này cũng đi kèm với trách nhiệm nhiều hơn đối với tổ chức tín dụng và các hoạt động sau giải ngân và do vậy chúng tôi đánh giá mức độ tác động của thông tư này nghiêng nhiều về phía siết chặt hơn đối với các lĩnh vực rủi ro”, chuyên gia của SSI Research đánh giá.