Tiền gửi có an toàn khi sáp nhập hay giải thể ngân hàng?

Khi xuất hiện nhiều thông tin về việc NHNN sẽ xem xét tái cơ cấu, sáp nhập hoặc giải thể những ngân hàng yếu kém, người gửi tiền tiết kiệm lại thêm một mối băn khoăn về “số phận” đồng tiền của mình sẽ ra sao nếu ngân hàng bị rơi vào tình huống này.
Một số Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên 100 triệu đồng Một số Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng mức chi trả bảo hiểm tiền gửi lên 100 triệu đồng

Điều băn khoăn của khách hàng không phải là không có cơ sở bởi gần đây, nhiều ngân hàng, trong đó có những ngân hàng quy mô lớn đã công bố những khoản nợ xấu rất lớn. Tuy nhiên, Luật sư điều hành Công ty Luật Khai Phong, ông Phạm Chí Công cho biết, người gửi tiền ở tất cả các ngân hàng, nói cách khác là tổ chức tín dụng (TCTD), khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có huy động tiền đồng Việt Nam đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Nghĩa là tất cả các khách hàng gửi tiền tại TCTD đó đều được Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) chi trả, hoàn tiền khi TCTD đó mất khả năng chi trả (có thể hiểu là phá sản, giải thể).

Ông Công cho biết, cơ sở pháp lý cho vấn đề này được quy định tại điểm 29, Mục VI, Thông tư 03/2006/TT-NHNN ngày 25/4/2006 của Ngân hàng Nhà nước về việc hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định số 89/1999/NĐ - CP ngày 1/9/1999 về bảo hiểm tiền gửi và Nghị định số109/2005/NĐ - CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ - CP. Cụ thể, ví dụ khách hàng gửi tiết kiệm 100 triệu đồng tại ngân hàng, trong trường hợp ngân hàng mất khả năng thanh toán dẫn đến không có khả năng chi trả, chấm dứt hoạt động, BHTG sẽ chi trả cho người gửi tiền 50 triệu đồng, còn 50 triệu đồng còn lại cùng với lãi ở ngân hàng sẽ được giải quyết theo Luật Phá sản. Theo Luật Phá sản, tài sản của ngân hàng sẽ được thanh lý và khách hàng sẽ là đối tượng được ưu tiên chi trả đầu tiên.

Đối với trường hợp giải thể, nghĩa là do nội bộ ngân hàng tự giải thể, không tiếp tục hoạt động, ngân hàng sẽ phải thực hiện mọi nghĩa vụ cho khách hàng trước khi giải thể. Còn trong trường hợp ngân hàng được một ngân hàng khác mua lại hay sáp nhập thì ngân hàng trong tương lai sẽ tiếp quản, giải quyết các quyền và nghĩa vụ của ngân hàng cũ. “Trong mọi trường hợp, khách hàng gửi tiền không lo bị mất tiền”, ông Công nhấn mạnh.

Điều này cũng đã được ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định trong một cuộc họp báo gần đây: Chính phủ, các cơ quan nhà nước, NHNN sẽ thực hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Quá trình này hướng tới mục tiêu cuối cùng là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài điểm băn khoăn là theo thông lệ quốc tế, quỹ BHTG/Tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm thường là 2,5% - 3% nhưng tỷ lệ này ở Việt Nam vào khoảng 1%, được nhìn nhận là khá thấp so với các nước khác. Mức chi trả bảo hiểm 50 triệu đồng/một người gửi tiền được quy định vào năm 2005 đến nay không còn phù hợp với tình tình tăng trưởng kinh tế của nước ta, với mức thu nhập bình quân đầu người hiện trên 1.000 USD/năm.

“Hạn mức chi trả BHTG thấp phần nào sẽ làm giảm hiệu quả chính sách bảo hiểm cũng như ảnh hưởng đến niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Trước sự bất cập cũng như vai trò ngày càng lớn của BHTG trong xu thế hội nhập toàn cầu, khi cơn bão tài chính thế giới để lại không ít bài học cho nền kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải có các giải pháp nâng cao hơn nữa hoạt động BHTG trong giai đoạn tới”, Luật sư Công nói.

Thủy Nguyên
Thủy Nguyên

Tin cùng chuyên mục