
Ngưỡng 320 - 350 điểm, hay 353 - 366 điểm được giới phân tích đưa ra như một mức kháng cự đầu tiên của VN-Index trong xu thế lên giá trên thị trường. Tại ngưỡng này cũng có thể coi là mức hỗ trợ trong quá trình xuống giá, vì một lượng cổ phiếu khá lớn được tích tụ sau một thời gian chuyển động zíc-zắc đi ngang của VN-Index. Một số CTCK nhận định rằng, với một mức cản lớn như vậy cộng với tình hình kinh tế hiện nay, việc vượt qua mốc cản này là không đơn giản và không bền vững. Nhưng diễn biến của thị trường trong những phiên gần đây cho thấy, VN-Index nhiều khả năng vượt qua ngưỡng kháng cực đầu tiên này, cho dù có những phiên điều chỉnh đi xuống.
Các tổ chức trong nước đã nhập cuộc
Cho đến nay, hầu hết giới chuyên môn cho rằng, đợt lên giá hiện nay của thị trường chủ yếu là do dòng tiền của NĐT cá nhân trong nước đổ vào, chứ các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước vẫn chưa nhập cuộc. Nhưng nếu điểm lại một số yếu tố, có thể khẳng định, các định chế tài chính và tổ chức đầu tư (trong nước) đã nhập cuộc, tham gia mua vào một cách mạnh mẽ.
Thứ nhất, nhìn lệnh đặt mua - bán tại một số cổ phiếu lớn nhỏ cho thấy, các tổ chức đầu tư đang cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình thông qua việc bán ra cổ phiếu nhỏ và mua vào cổ phiếu lớn. Chính sự chuyển dịch đó đã kéo theo một đợt lên giá liên tục của các cổ phiếu blue-chip như DPM, ITA, REE, SAM, STB, SSI… với lượng khớp lệnh cực lớn.
Ngày 7/4 vừa qua, chỉ riêng cổ phiếu STB đã có gần 10 triệu đơn vị được khớp lệnh, cho thấy sự tham gia mạnh mẽ của các tổ chức đầu tư. Kinh nghiệm trong quá khứ, đối với NĐT cá nhân, khi một lượng cổ phiếu khổng lồ được bên bán đưa ra thì bên mua lập tức sẽ chựng lại do tâm lý đầu tư chung vẫn là bầy đàn. Nhất là thời điểm NĐT cá nhân còn đang trong thời kỳ thua lỗ kéo dài, tâm lý chung vẫn là dè dặt, thận trọng trong việc đặt các lệnh mua mới. Chỉ có tổ chức đầu tư mới có động thái mua - bán theo kiểu đấu giá ngang ngửa, bán bao nhiêu mua hết bấy nhiêu như vậy.
Thứ ba, với giá trị khớp lệnh từ một vài trăm tỷ đồng/phiên tại sàn TP. HCM, tăng đột biến lên 500 - 600 tỷ đồng, thậm chí một số phiên gần đây đã vươn tới con số trên 1.000 tỷ đồng, chứng tỏ sự nhập cuộc của các tổ chức đầu tư lớn ngày càng mạnh mẽ.
Thứ tư, TTCK Việt Nam đã kết thúc quá trình đi xuống và bắt đầu tăng điểm ngay từ khi TTCK Mỹ và thế giới còn đang đi xuống, khi nhiều phân tích của hầu hết CTCK đều cho rằng, thị trường có thể rớt dưới mức 200 điểm, khi trên các sàn giao dịch vẫn vắng bóng NĐT cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là việc phục hồi VN-Index không chỉ do NĐT cá nhân trong nước, mà còn do sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn đã nhen nhóm cách đây vài tháng, với chiến thuật "mua dần". Đợt phục hồi giá cổ phiếu hiện nay nếu chỉ là do NĐT cá nhân thì khó có thể kéo dài, nhưng nếu có sự tham gia của các tổ chức đầu tư lớn thì khả năng VN-Index sẽ vượt qua một số ngưỡng cản để hình thành xu thế tăng giá.
Sẽ có cuộc phá ngưỡng?
Phiên giao dịch 13/4/2009, VN-Index tăng 14,96 điểm (đạt 340,01 điểm), nghĩa là tăng mạnh liên tiếp phiên thứ hai sau 2 phiên điều chỉnh giảm. Những phiên tăng điểm vừa qua cho thấy, sức cầu trên thị trường hiện nay đang rất lớn. Theo nhận định của giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài, việc lên giá thẳng đứng và những phiên điều chỉnh ngắn có thể dẫn đến tình trạng xuống giá nhanh cũng theo chiều thẳng đứng như vậy. Thực tế, đây mới chỉ là ngưỡng kháng cự đầu tiên trong quá trình phục hồi giá. Thông thường, khi giá chứng khoán tăng quá nhanh với các phiên điều chỉnh ngắn sẽ đưa đến tình trạng đảo chiều đối với thời điểm cuối cùng của xu thế tăng giá. Nhưng trong giai đoạn phục hồi thì quy luật này ít khi diễn ra, mà thường là diễn tiến chuyển động đi ngang trong một thời gian do sự cân bằng giữa bên mua và bên bán, sau đó mới xác định xu hướng mới.
320 - 350 điểm trong quá trình xuống giá được gọi là mức hỗ trợ. Vì tại ngưỡng này, thị trường chuyển động zíc-zắc đi ngang khá lâu, nhưng giá trị khớp lệnh rất thấp, chỉ một vài trăm tỷ đồng/phiên, cho nên số cổ phiếu tồn đọng tại ngưỡng này không lớn. Trong quá trình đi lên của VN-Index, chỉ cần một vài phiên với giá trị khớp lệnh ngàn tỷ đồng là có thể giải quyết hết lượng cổ phiếu tồn đọng tại mức này. Những phiên khớp lệnh cực lớn vừa qua, cộng với tâm lý hưng phấn mua vào của NĐT hiện nay cho thấy, khả năng vượt ngưỡng kháng cự 320 - 350 điểm khá lớn. Cho dù nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, VN-Index chuyển động quanh mức 320 - 350 điểm là phù hợp với đà phục hồi kinh tế hiện nay, nhưng trên TTCK, VN-Index chuyển động theo quy quy luật cung - cầu, nó sẽ chỉ dừng lại khi lượng cung - cầu cân bằng. Nếu nhìn vào biểu đồ phân tích kỹ thuật của VN-Index có thể thấy, xu thế tăng giá đã được thiết lập, Index đang tiến đến ngưỡng kháng cự mới.