Câu chuyện của tiệm sửa xe và doanh nghiệp tỷ USD
Ngày 2/4 vừa qua, tức 4 ngày sau khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả kinh tế - xã hội quý I/2023 với nhiều chỉ tiêu vĩ mô kém tích cực, 2 ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 45 về phát triển kinh tế tư nhân, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (lần thứ hai) đã được tổ chức ở Hà Nội để các nhà quản lý, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân ngồi lại cùng bàn về chiến lược phát triển khu vực kinh tế này.
Trước đó, ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước lần thứ hai trong tháng đã công bố hạ lãi suất điều hành, nhằm tiếp tục giảm bớt căng thẳng của lãi vay. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%/năm (xuống 5,5%/năm); trần lãi suất huy động giảm 1%/năm (xuống 5,5%/năm); lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm (xuống 4,5%/năm)... Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại theo đó cũng rục rịch giảm, tuy tốc độ chậm hơn.
Thế nhưng, phần lớn những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp tư nhân được chia sẻ tại diễn đàn nói trên vẫn xoay quanh câu chuyện thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn.
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho biết, nhiều doanh nghiệp nói với ông rằng họ đã thật sự “ngấm đòn” khó khăn từ quý III/2022 và cho đến giờ vẫn chưa thấy cải thiện.
Ngay cả ông chủ tiệm sửa xe máy ở đầu phố nhà ông Ánh, một tế bào kinh tế “siêu vi mô”, theo cách gọi của vị chuyên gia, cũng phải hoạt động cầm chừng, không phát triển được thêm do nhiều người đến sửa xe có xu hướng sửa tạm để đi tiếp, thay vì thay phụ tùng mới.
Mấy năm nay, chúng tôi chật vật xoay xở, ban lãnh đạo tự cắt giảm 50 - 75% lương. Tập đoàn không dám nhận thêm dự án mới nào vì lo không cung ứng được nguồn vốn.
Một doanh nghiệp có vốn hoá tỷ USD, với quy mô nhân sự lên tới 22.000 người như BRG cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn về nguồn vốn.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị BRG chia sẻ, giai đoạn đại dịch, mảng kinh doanh khách sạn và sân golf của Tập đoàn gần như đóng cửa hoàn toàn, sau đó thì ảnh hưởng của đứt gẫy chuỗi cung ứng, lạm phát, lãi suất cao...
“Mấy năm nay, chúng tôi chật vật xoay xở, ban lãnh đạo tự cắt giảm 50 - 75% lương. Tập đoàn không dám nhận thêm dự án mới nào vì lo không cung ứng được nguồn vốn”, bà Nga nói.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế lại kể câu chuyện ở FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam hiện nay. Theo đó, trong một lần nói chuyện với Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, khi ông Nghĩa hỏi: “Sàn giao dịch điện tử Sendo của anh chiếm chưa đến 4% thị phần, anh có muốn mở rộng không?” thì ông Bình lắc đầu với lý do không có vốn.
Nguồn vốn có lẽ là bài toán nan giải nhất đối với doanh nghiệp bất động sản giai đoạn này. Một thống kê gần đây từ nguồn báo cáo tài chính năm 2022 của 10 doanh nghiệp bất động sản niêm yết lớn cho biết, trong năm qua, số tiền lãi vay mà 10 doanh nghiệp này phải trả lên tới 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD). Trong đó, Vingroup phải trả hơn 11.000 tỷ đồng; Novaland trả hơn 6.100 tỷ đồng; CII phải trả 1.560 tỷ đồng, bằng 83% số lợi nhuận gộp tạo ra trong năm; Becamex phải trả 877 tỷ đồng, bằng 32% lợi nhuận gộp cả năm...
Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc cho biết, hiện doanh nghiệp này phải vay ngân hàng với lãi suất khoảng 15 - 16%/năm, thậm chí cao hơn nếu tính cả chi phí không chính thức. Thông thường, bất động sản là nhóm doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính tới 70%, vì thế, doanh nghiệp quy mô càng lớn, khi lãi suất tăng thì gánh nặng lãi vay càng nặng nề.
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Đông Á, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá cho biết, Hiệp hội vừa tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp ở tỉnh, nhiều doanh nghiệp cho biết đang suy yếu do gặp hàng loạt khó khăn, trong đó nổi lên là câu chuyện thiếu vốn và khó tiếp cận tín dụng.
“Muốn vay ngân hàng, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Khi lãi suất tăng, ngân hàng yêu cầu bổ sung thêm tài sản đảm bảo là doanh nghiệp không còn năng lực tài sản để đáp ứng”, ông Đoan nói.
Kiến nghị giảm thêm lãi suất và tháo gỡ rào cản tiếp cận
Chủ tịch BRG chia sẻ, bà đã thấm lắm bài học thực tiễn là phải đa dạng hoá nguồn vốn. Năm 2022, Seabank - đơn vị thành viên của BRG đã tiếp cận được nguồn vốn ngoại trị giá gần 200 triệu USD. Hiện BRG vẫn đang nỗ lực vượt khó bằng cách tìm kiếm vốn ngoại và thận trọng khi mở rộng dự án mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, lãnh đạo BRG đề nghị Chính phủ hỗ trợ hai yếu tố, là chính sách vĩ mô dẫn dắt và nguồn vốn.
“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều gói tín dụng lớn và khuyến nghị ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Đây là chính sách rất kịp thời. Lãi suất cho vay hiện đã quá cao, tôi đề nghị giảm lãi suất 2-3%/năm thì doanh nghiệp mới dám vay, chứ không chỉ 0,3 hay 0,5% như vừa rồi”, bà Nga nói.
Đồng quan điểm, ông Cao Tiến Đoan kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm biên lợi nhuận ròng (NIM), giảm trích lập dự phòng để hỗ trợ thêm lãi suất cho doanh nghiệp. Ông Đoan cho rằng, trong điều kiện bình thường, ngân hàng thương mại vẫn duy trì NIM khoảng 4%, giờ trong khi kinh tế giảm tốc, doanh nghiệp khó khăn, Nghị quyết 45 của Chính phủ đặt chỉ tiêu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, nên chăng ngân hàng “hy sinh” bớt 1% trong NIM để san sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ngoài ra, Chủ tịch Tập đoàn Đông Á mong muốn được gỡ vướng nhiều thủ tục giải ngân vốn vay đang làm khó doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) diễn ra vào sáng 4/4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá, muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 6,5% như kịch bản 2 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cập nhật dự báo, Việt Nam cần phải đạt được 3 đột phá chính: Một là, đột phá trong đầu tư công (Chính phủ đã cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay); hai là, chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng; ba là, tận dụng được những cơ hội hiện có, ví dụ như đón đầu xu thế Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại để phát triển ngành du lịch và dịch vụ, với dự báo tăng trưởng của ngành đạt 8,0% trong năm nay.
Nói về giải pháp đột phá thứ hai, ông Cường nhận định: “Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành vừa rồi là hợp lý, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này sẽ giúp hỗ trợ cho thị trường vốn, giải toả bớt sức ép rủi ro đổ vỡ trong doanh nghiệp bất động sản và lan sang ngành nghề khác”.
Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng UOB của Singapore tiếp tục nhấn mạnh dự đoán trước đây rằng, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thiên về chính sách nới lỏng tiền tệ hơn trong giai đoạn sắp tới, với việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 1%/năm trong quý II/2023. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất không có nghĩa là bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, mà sẽ được cơ quan này tiến hành thận trọng.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm và duy trì quanh mức 7%/năm, tương ứng lãi suất cho vay bình quân quanh mức 10%/năm (đối với kỳ hạn 12 tháng bình quân nhóm ngân hàng quốc doanh) thời điểm cuối năm. Điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra nếu được hỗ trợ bởi các yếu tố: lạm phát trong nước được kiểm soát dưới 4,5%, thanh khoản ngân hàng ổn định và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang ở cuối lộ trình tăng lãi suất, kỳ vọng đảo chiều chính sách vào cuối quý II/2023.