Tiền đâu thâu tóm ngân hàng?

Ngày 10/7/2012, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu thanh tra toàn diện một số tổ chức tín dụng liên quan đến vụ thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank).
Tiền đâu thâu tóm ngân hàng?

Trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN cam kết sẽ công khai trên trang web của NHNN kết quả để dư luận biết khi cuộc thanh tra kết thúc vào cuối tháng 8-2012.

 

“Chúng tôi không biết họ lấy tiền ở đâu?”

Mối quan tâm lớn của dư luận không phải chỉ là liệu vụ thâu tóm Sacombank có vi phạm quy định pháp luật, mà còn là nguồn lực tài chính của những người đi thâu tóm đến đâu. Họ có thực sự có tiềm lực tài chính mạnh đến mức mua nổi 51% cổ phần của một ngân hàng niêm yết?

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN: “Tiền đâu để nhóm cổ đông mới thâu tóm Sacombank NHNN có biết không?”. “Họ không báo cáo với NHNN và chúng tôi cũng không biết họ lấy tiền ở đâu” - Thống đốc trả lời.

Xét về thủ tục quy định, những người nắm giữ dưới 5% cổ phần ngân hàng, kể cả tổ chức, không phải công bố thông tin và pháp luật cho phép họ được ủy quyền cho một người, một nhóm người đại diện cho quyền lợi của họ. Những thành viên mới tham gia Hội đồng quản trị của Sacombank đã được ủy quyền như thế.

Muốn làm rõ mối quan hệ của những người sở hữu cổ phiếu Sacombank thông qua giao dịch trên sàn niêm yết, phải nắm được đường đi của dòng tiền đến tài khoản của những người đó. Tiền được chuyển từ đâu? Từ ngân hàng nào? Nó đi qua bao nhiêu ngân hàng, bao nhiêu tài khoản trước khi đến tài khoản của người giao dịch chứng khoán? Nó được chuyển từ tài khoản giao dịch chứng khoán đến hay từ tài khoản cá nhân đến? Có những khoản tiền được chia nhỏ, có những khoản để nguyên một cục. Có tài khoản sử dụng hỗ trợ tài chính của công ty chứng khoán, sau đó mới trả lại...

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là người có nghĩa vụ trả lời những câu hỏi trên nhưng lại không có công cụ và quyền hạn để tìm ra câu trả lời. Ủy ban không có khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng, không có chức năng điều tra.

Đó là với cổ đông cá nhân. Cổ đông tổ chức hiện nay của Sacombank như Ngân hàng Eximbank, Ngân hàng Phương Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam... đều có chức năng đầu tư tài chính và trên giấy tờ, họ không vượt quá giới hạn sở hữu cho phép.

Nếu không tiếp cận được tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư, ngoài cơ quan an ninh có chức năng điều tra, cơ quan quản lý ngành ngân hàng và chứng khoán không thể nào biết được nguồn gốc tiền đầu tư. Tuy nhiên điều có thể tìm hiểu, làm rõ là cổ phiếu Sacombank được các chủ sở hữu sử dụng như thế nào. Một nguồn tin đáng tin cậy nói rằng nó được thế chấp, cầm cố để vay tiền ở nhiều ngân hàng. Tiền vay được quay vòng lần thứ hai, mua tiếp cổ phiếu Sacombank. Cứ thế, theo kiểu cuốn chiếu, tiền ngân hàng được sử dụng để thâu tóm ngân hàng.

 

Vòng xoáy liên ngân hàng

Khi tài sản đảm bảo cho một khoản vay là chứng khoán, các ngân hàng chịu hai sức ép: tỷ lệ tín dụng phi sản xuất tăng lên và phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn theo quy định của Thông tư 13 về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng vẫn đang còn hiệu lực. Hơn nữa, những năm qua thị giá cổ phiếu ngân hàng luôn đứng ở mức thấp, khiến cho giá trị khoản vay teo tóp, không đáp ứng được lượng tiền cần thiết mà người vay muốn vay.

Với mỗi cổ phiếu Sacombank cầm cố, người vay chỉ vay được tối đa 10.000 đồng - một số ngân hàng khẳng định với TBKTSG. Nghĩa là để có tiền thâu tóm 51% Sacombank, phải thế chấp lượng cổ phiếu gấp đôi. Đấy là mua theo thị giá trên sàn. Những khoản mua thỏa thuận giữa nhóm cổ đông mới và một số tổ chức nước ngoài cũng như một số thành viên cũ Hội đồng quản trị Sacombank được tiến hành trên cơ sở cao gấp đôi, gấp rưỡi thị giá. Động thái này đẩy giá thành thâu tóm và đòi hỏi phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn.

Các lần chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank theo phương thức thỏa thuận diễn ra dồn dập vào đầu năm nay. Nguồn tiền người mua cần không những lớn mà còn phải tập trung và nhiều khả năng họ đã lên liên ngân hàng để vay. Ở thị trường liên ngân hàng, người ta có thể cho vay tín chấp và thế chấp. Vay được hay không, lãi suất, kỳ hạn thế nào phụ thuộc phần lớn vào người có tiền - bên cho vay. Khi đó vay liên ngân hàng chưa phải tính vào tăng trưởng tín dụng, chưa phải trích lập dự phòng rủi ro như bây giờ, nên vay được là thuận lợi. Một phần tiền thâu tóm Sacombank có thể đã xuất phát từ thị trường liên ngân hàng.

Nhóm thâu tóm Sacombank có đủ uy tín đến mức vay được tiền trên liên ngân hàng, nhất là vay tín chấp? Nếu chấp nhận mức uy tín của nhóm, ai là người cho vay? Tiền vay liên ngân hàng được sử dụng vào mục đích gì thường được bên cho vay nắm rõ, vì nếu không, rủi ro xảy ra, họ làm sao thu hồi. NHNN có biết vấn đề này? Có kiểm tra, kiểm soát đường đi của đồng vốn?

Cho đến nay nhóm cổ đông mới đã tiếp quản Sacombank được vài tháng. Câu chuyện thâu tóm ngân hàng này dường như đã kết thúc, nhưng dư âm của nó vẫn chưa lắng lại.


TBKTSG

Tin cùng chuyên mục