Tiền đâu cho sản xuất - kinh doanh?

(ĐTCK) Ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, Chính phủ và những người đóng thuế chung tay hỗ trợ DN trong các gói kích cầu. Trong khi đó, chính bản thân DN lại không dồn mọi nguồn lực cho sản xuất - kinh doanh. Khảo sát trên 200 DN vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2008, chúng tôi đã nhận thấy điều này.
Cần phải có các quy định chặt chẽ hơn trong việc giới hạn chi thưởng cổ tức và lợi nhuận của doanh nghiệp. Cần phải có các quy định chặt chẽ hơn trong việc giới hạn chi thưởng cổ tức và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Nhìn người…

Giống như khẩu hiệu "Need to change" khi vận động tranh cử, tân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tạo ra điểm khác biệt so với chính quyền Bush trong chính sách kinh tế và kế hoạch giải cứu. Theo đó, ông Obama yêu cầu Bộ Tài chính hạn chế lương bổng và thanh toán cổ tức cho ban giám đốc của các định chế tài chính đang nhận trợ giúp tài chính từ gói cứu trợ 700 tỷ USD. Obama kỳ vọng, những quy định mới sẽ tạo ra tính minh bạch trong việc sử dụng công quỹ, đổi trụ sở làm việc cũng như "hạ cánh vàng" đối với các nhà lãnh đạo khi nghỉ việc.

Quyết định trên được đưa ra sau khi dấy lên làn sóng phản đối về việc chi thưởng vô lý của nhiều lãnh đạo cấp cao khi rời nhiệm sở. Theo Hãng tin Bloomberg, các công ty ở phố Wall đã chi khoảng 18,4 tỷ USD tiền thưởng trong năm 2008, mặc dù chính các công ty này đang nhận hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Chi trả cổ tức cũng được khống chế so với thời ông Bush. Còn nhớ vào ngày 13/10/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson từng đồng ý cho 9 ngân hàng được chi trả 25 tỷ USD cổ tức, trong khi nhận khoản tiền cứu trợ 125 tỷ USD. Ông Obama chỉ trích đây là sự thiếu nhất quán của Chính quyền Bush.

Sự thay đổi này đang tạo ra những biến chuyển lớn trên TTCK Mỹ. Theo tờ Businessweek, nhà đầu tư ưa thích cổ tức trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ bị sốc vì khoản cổ tức từ các công ty tài chính thường chiếm 1/4 đến 1/3 cổ tức của các công ty Mỹ. Không những thế, quy định này còn gây ra làn sóng cắt giảm và trì hoãn cổ tức trong nhiều công ty khác (xem bảng 1).

ngẫm đến ta

Nói chuyện người để bàn chuyện ta. Ai cũng biết, sự suy thoái kinh tế toàn cầu đang ảnh hưởng lớn đến DN xuất khẩu như dệt may, thuỷ sản, cao su… Báo cáo tài chính quý IV/2008 cũng cho thấy nhiều công ty đã lâm vào cảnh thua lỗ. Nhưng trong khi những người đóng thuế bỏ tiền ra để hỗ trợ DN gặp khó khăn thì chính các "ông chủ" DN lại không chịu bỏ tiền vào. Mặc dù đang phải gánh chịu lãi từ khoản nợ lớn, hàng tồn kho chất đống vì giá giảm đột ngột cũng như khoản thua lỗ từ đầu tư tài chính do những quyết định sai lầm, nhưng dòng tiền lại được dành để chi trả cho cổ đông, mà không hề được giữ lại để phục vụ cho sản xuất hay giảm bớt gánh nặng tài chính. Điển hình như làn sóng chia cổ tức từ lợi nhuận tạm tính năm 2008…

Vào giữa tháng 1/2009, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ 10 giải pháp hỗ trợ DN thuỷ sản trong giai đoạn 2009 - 2010. Theo đó, VASEP kiến nghị cho khoanh nợ, hỗ trợ lãi suất, hoãn tăng giá điện, than nhằm giúp đỡ DN trong ngành. Bên cạnh đó, Hiệp hội kiến nghị trích trước khoảng 15.000 - 17.000 tỷ đồng trong gói kích cầu để DN thu mua cá của ngư dân.

Trong khi đó, các công ty trong ngành này lại tiến hành chia cổ tức rất cao cho cổ đông của mình. Điều đáng nói là lợi nhuận dùng để chi trả cổ tức từ lợi nhuận tạm tính trong năm 2008. Thật không công bằng cho những người nộp thuế để cứu lấy những công ty chỉ biết chi tiền cho cổ đông của họ, mà không chia sẻ khó khăn chung (xem bảng 2).

Ngành cao su cũng không có gì khác biệt. Trong khi giá cao su rớt mạnh hơn 69% kể từ mức đỉnh hồi tháng 7/2008 khiến nhiều DN trong ngành phải lao đao thì mức chi trả cổ tức của các DN trong ngành này cũng không hề thấp. Đầu tháng 12/2008, CTCP Cao su Thống Nhất (TRC) thông báo tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt đợt 1/2008 lên đến 25% mệnh giá, trong khi đã chi trả 15% mệnh giá cho đợt 2/2007. Như vậy, ước tính có khoảng 75 tỷ đồng đã được chia cho cổ tức đợt 1/2008. Tổng số tiền chi trả cổ tức trong năm 2008 của TRC lên đến 148 tỷ đồng. Ngày 29/12/2008, CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cũng tiến hành chi trả cổ tức đợt 1/2008 với tỷ lệ 25% mệnh giá, tương ứng 42,9 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận quý IV/2008 của HRC chỉ đạt 12,6 tỷ đồng, khiến lợi nhuận sau thuế cả năm còn 88 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2007. Và con số chi trả cổ tức trong năm 2008 của HRC lên đến 94,3 tỷ đồng.

Điểm qua một số trường hợp trên để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề đã nêu trên. Điều này cho thấy tại sao tân Tổng thống Mỹ đưa vào những điều kiện hỗ trợ có vấn đề cổ tức. Nếu các công ty niêm yết hạn chế chi trả cổ tức thì chính các DN này sẽ có một lượng tiền mặt để đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất - kinh doanh, tránh trường hợp rơi vào kiệt quệ tài chính.

Những phân tích trên cho thấy khoảng trống trong chính sách kích cầu mà Chính phủ đang áp dụng. Trong khi người đóng thuế phải hy sinh quyền lợi của mình thì các ông chủ DN lại không chia sẻ khó khăn đó. Sự thay đổi của Tổng thống Obama là một minh chứng cho thấy, chúng ta phải có các quy định chặt chẽ hơn trong việc giới hạn chi thưởng cổ tức và lợi nhuận của DN. Mặt khác, UBCK cũng cần nhìn nhận lại khoảng trống trong việc quy định chính sách cổ tức khi lợi nhuận chưa chắc chắn.      

Bảng 1: Các công ty lớn cắt giảm cổ tức

Tên công ty

Thay đổi cổ tức (%)

Motorola (MOT)

-100%

Macy's (M)

-62%

Newell Rubbermaid (NWL)

-50%

Pfizer (PFE)

-50%

Fifth Third Bancorp (FITB)

-93%

Constellation Energy Group (CEG)

-55%

Bank of America (BAC)

-97%

State Street (STT)

-96%

Citigroup (C)

-96%

Penske Automotive (PAG)

-100%

Nguồn: Thời báo Businessweek

 

 Bảng 2: Một số công ty trong ngành thủy sản chi trả cổ tức trong năm 2008

Mã chứng khoán

Tỷ lệ chia cổ tức

Cổ tức ước tính

Lợi nhuận cả năm (tỷ đồng)

ACL

35% (2 đợt)

31,50

65

ABT

40% (3 đợt)

30,72

41

ANV

18%

118 (ước tính)

106

AGF

6%

7,68

14,6

 

Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP.HCM
Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp, Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Tin cùng chuyên mục