Tiền bắt đầu chảy mạnh vào chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường “vùi dập” các công ty chứng khoán ở nhiều giai đoạn, nhưng hiện đang là nhóm ngành được kỳ vọng hưởng lợi lớn nhất khi thanh khoản và diễn biến thị trường tăng trở lại.
“Thiên thời” với nhóm chứng khoán đã đến. “Thiên thời” với nhóm chứng khoán đã đến.

Xuyên bão

Giai đoạn vừa qua là khoảng thời gian nhiều cảm xúc đối với thị trường chứng khoán và các công ty chứng khoán (CTCK), sau sự thăng hoa đến vỡ òa của năm 2021 là sự hoang mang, lo lắng trong năm 2022 và kỳ vọng thị trường đang dần lấy lại niềm tin trong năm 2023.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán VNDirect, những biến cố xảy ra trên thị trường vốn trong giai đoạn vừa qua gây ra rất nhiều khó khăn thanh khoản cho các định chế tài chính, việc duy trì tỷ trọng lớn các tài sản có tính thanh khoản cao đã giúp Công ty vững vàng đi qua những giai đoạn khó khăn nhất của thị trường vốn năm 2022.

Với sự bất ổn của môi trường vĩ mô, năm 2023 chắc chắn vẫn là một năm vô cùng thách thức cho thị trường vốn, thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng cũng sẽ là một năm bản lề để các CTCK có thể tái tạo năng lực tổ chức, sẵn sàng cho một chu kỳ phát triển mạnh mẽ mới của nền kinh tế cũng như thị trường vốn Việt Nam.

Có thể điểm lại 4 “trận bão” đáng nhớ với thị trường chứng khoán trong 10 năm trở lại đây, mức độ “càn quét” ở mỗi lần khác nhau, nhưng đối tượng thiệt hại lớn nhất sau nhà đầu tư chính là các CTCK.

“Trận bão” thứ nhất vào cuối năm 2012, khi đó tâm điểm thị trường là cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng, nợ xấu lên tới 17%, lãi suất tiền gửi tăng lên 14%/năm, thị trường bất động sản giảm mạnh và mất thanh khoản, doanh nghiệp của hầu hết mọi ngành nghề chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và chỉ số VN-Index giảm tới 25%.

Mức thiệt hại có phần giảm bớt ở “trận bão” thứ hai, tại thời điểm đầu năm 2016, khi thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, hứng chịu áp lực tăng lãi suất đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cộng thêm việc ngừng nới lỏng định lượng tài chính khiến cho dòng tiền rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, trong khi đồng Nhân dân tệ giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh, gây áp lực lớn lên tỷ giá VND và nền kinh tế Việt Nam. Ở thời điểm này, VN-Index giảm 18%.

Tuy nhiên, “tốc độ và sức càn quét” lại ghi nhận rất mạnh ở trận thứ ba, vào thời điểm tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng, gây khủng hoảng kinh tế toàn cầu nghiêm trọng và VN-Index đã “bốc hơi” 34%.

Diễn ra một cách âm thầm, nhưng “trận bão” thứ 4 lại đưa đến mức độ thiệt hại rất lớn khi VN-Index lao dốc từ đỉnh cao 1.500 điểm xuống còn 875 điểm vào tháng 11/2022, ghi nhận mức giảm hơn 40%.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, để có cái nhìn khách quan đối với chuyển động của nhóm các CTCK, chúng ta cần căn cứ vào kết quả kinh doanh. Hiệu quả kinh doanh của khối CTCK ít nhiều có sự chi phối từ diễn biến thị trường chứng khoán, nhưng sau mỗi đợt biến động mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp này đứng vững hơn.

Tại thời điểm kết thúc quý I/2023, mặc dù doanh thu có sự sụt giảm tại các mảng môi giới, hỗ trợ tài chính, tự doanh..., nhưng kết quả kinh doanh của các CTCK phục hồi so với quý IV/2022; các hệ số sinh lời ROA, ROE của các doanh nghiệp này vẫn giữ ở mức thấp do hiệu quả hoạt động của các CTCK có độ trễ so với biến động của VN-Index.

Tuy nhiên, nhóm CTCK sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tích cực hơn trong quý II/2023 khi thanh khoản đang phục hồi khá tốt nhờ lãi suất huy động giảm, mảng hỗ trợ tài chính được kỳ vọng tích cực hơn khi nhu cầu vay ký quỹ của nhà đầu tư kỳ vọng sôi động hơn, hoạt động tư vấn cũng khả quan hơn. Với mảng tự doanh, các công ty nắm giữ một số cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong danh mục sẽ là lợi thế. Cùng với đó, các chỉ số về tỷ suất sinh lời sẽ được cải thiện đáng kể.

Chờ yếu tố “thiên thời”

Ông Jeon Mun Cheol - Quyền Tổng giám đốc CTCK KBSV cho rằng, từ đầu năm 2023 đến nay, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế, thị trường chứng khoán cũng đã được hưởng lợi nhờ mặt bằng lãi suất giảm và điểm số cũng như thanh khoản của thị trường đã có sự hồi phục tích cực. Hoạt động kinh doanh của các CTCK dần lấy lại đà tăng trưởng trong 2 quý đầu năm và là một trong những nhóm ngành dẫn sóng thị trường. Nhiều cổ phiếu chứng khoán có thị giá tăng 60-70%, thậm chí là hơn 100% so với giai đoạn cuối năm 2022.

Trong nửa cuối năm, xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất và việc nền kinh tế bắt đầu có tín hiệu hồi phục rõ nét, tôi kỳ vọng xu hướng đi lên trong hoạt động kinh doanh của các CTCK sẽ tiếp diễn.

Ông Jeon Mun Cheol, Quyền Tổng giám đốc KBSV

“Trong nửa cuối năm, cùng xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất và việc nền kinh tế bắt đầu có tín hiệu hồi phục rõ nét nhờ những chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tôi kỳ vọng xu hướng đi lên trong hoạt động kinh doanh của các CTCK sẽ tiếp diễn”, ông Jeon Mun Cheol nói.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 vừa qua, KBSV đã thông qua kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận trước thuế (tăng 121% so với cùng kỳ năm ngoái). Dù vậy, Ban lãnh đạo KBSV đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch này là khả thi khi môi trường kinh doanh được dự báo sẽ thuận lợi hơn so với năm 2022. Ngoài ra, KBSV có thể hoàn nhập các khoản dự phòng suy giảm tài sản trong năm 2022, qua đó đóng góp lớn vào lợi nhuận trong năm 2023.

Tương tự, tại VNDirect, Ban lãnh đạo Công ty cho biết có nhiều cơ sở để hoàn thành các mục tiêu của năm 2023 như tăng trưởng mạnh trong mảng dịch vụ đầu tư nguồn vốn với kế hoạch doanh thu 480 tỷ đồng, tăng 182% so với năm trước; doanh thu mảng dịch vụ ngân hàng đầu tư dự kiến tăng nhẹ 4% lên 200 tỷ đồng; mảng dịch vụ đầu tư tài chính gần như đi ngang với mục tiêu doanh thu đạt 1.620 tỷ đồng và vẫn là mảng đóng góp lớn nhất vào tổng doanh thu.

Ban lãnh đạo VNDirect nhấn mạnh thêm, dù dự kiến doanh thu mảng dịch vụ chứng khoán giảm 35% so với năm ngoái, xuống 860 tỷ đồng, nhưng kế hoạch này cũng theo đúng mục tiêu của Công ty khi hạn chế hoạt động tự doanh để tránh rủi ro biến động thị trường. Thay vào đó, Công ty sẽ phân bổ tỷ trọng lớn vào danh mục tiền gửi nhằm tăng cường bộ đệm thanh khoản và giảm thiểu được các rủi ro thị trường.

Tại CTCK DSC, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 khả quan với chỉ tiêu doanh thu đạt 193 tỷ đồng, tăng 233%; lợi nhuận trước thuế đạt 69,8 tỷ, tăng 464% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong quý II, DSC lần đầu đạt doanh thu mức trên 100 tỷ đồng/quý.

VCBS cũng cho biết, Công ty đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong 6 tháng đầu năm 2023 với thị phần môi giới đạt trên 3%, lợi nhuận và doanh thu đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là lượng khách hàng mở mới đạt tương đương 87% của cả năm 2022, thị phần môi giới trong phối hợp kinh doanh với Vietcombank tăng 63% so với năm 2022. Dư nợ vay margin đến 30/6/2023 tăng thêm 50% so với đầu năm, đạt 4.580 tỷ đồng.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, hiệu quả thể hiện trong kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 sẽ là động lực để VCBS tiếp tục triển khai các chiến lược kinh doanh trong thời gian còn lại của năm.

Thị trường sôi động luôn là một yếu tố “thiên thời” để các CTCK có thể gặt hái được kết quả kinh doanh khả quan. Với việc rủi ro thị trường đã giảm, thanh khoản cải thiện và dòng tiền ấm dần, doanh thu từ phí giao dịch và lãi margin của các CTCK chắc chắn có sự cải thiện. Thêm vào đó, khi mặt bằng giá cổ phiếu hồi phục, danh mục tự doanh báo lãi là một trong những yếu tố giúp lợi nhuận nhóm CTCK tăng trở lại.

Hải Vân
Theo Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ