Tiền ảo đa cấp = lừa đảo, nhưng sự thực là tiền ảo đang tồn tại và không thể né tránh

Tiền điện tử đang tồn tại hiện hữu trước mặt chúng ta, nên chúng ta không thể né tránh.   

Chưa bao giờ được pháp luật thừa nhận, song thời gian qua, kinh doanh tiền ảo, đặc biệt là tiền ảo đa cấp, vẫn làm mưa làm gió, khiến hàng ngàn người dân khốn đốn vì sập bẫy, gây bất ổn xã hội. Trước tác hại của việc kinh doanh loại tiền này, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang gấp rút đưa ra các quy định mới về tiền ảo.    

Tiền ảo đa cấp = lừa đảo

Hàng loạt đồng tiền ảo đã du nhập vào Việt Nam như Bitcoin, Onecoin, ILCOIN, Gemcoin, Octa… Cùng với đó, mô hình kinh doanh tiền ảo cũng xuất hiện, kéo theo rất nhiều hậu quả.

Cách đây không lâu, hàng trăm hộ dân ở Gia Lai đã gửi đơn tố cáo gửi lên cơ quan điều tra về việc góp vốn vào sàn giao dịch fxmt4.us của “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin”, nhưng sàn này đột ngột đóng cửa, khiến hàng chục tỷ đồng của người dân có nguy cơ mất trắng.

Tiền ảo đa cấp = lừa đảo, nhưng sự thực là tiền ảo đang tồn tại và không thể né tránh ảnh 1

Không ít người “sập bẫy” trước sự làm mưa làm gió của các đồng tiền ảo 

Trong khi vụ việc vẫn đang được điều tra, thì từ khắp các làng quê đến các thành phố lớn, mô hình kinh doanh tiền ảo đa cấp vẫn tiếp tục nở rộ, giăng lưới, câu kéo người dân tham gia. Với chiêu thức lấy lợi nhuận để “câu” con mồi (lợi nhuận quảng cáo lên tới 100%), các “sàn” tiền ảo này vẫn đang tiếp tục “thu nạp” thêm nhiều nạn nhân mới.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định, tiền ảo không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Không chỉ Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng liên tục cảnh báo người dân về mô hình tiền ảo đa cấp.

Điều đáng nói là, dù không được pháp luật thừa nhận, song theo luật sư Trương Thanh Đức, trên thực tế lại không có quy định nào cấm kinh doanh tiền ảo, đặc biệt là tiền ảo đa cấp.

Chính vì nằm “ngoài vòng pháp luật”, nên thời gian qua, hoạt động kinh doanh tiền ảo đa cấp vẫn bùng phát và lây lan, lôi kéo nhiều người dân tham gia. Đây cũng chính là nguyên nhân thời gian qua, nhiều nhà đầu tư tiền ảo đa cấp bị mất vốn, kêu cứu lên các cơ quan chức năng, song cơ quan chức năng cũng phải bó tay vì không có cơ sở xử phạt.

Tiền điện tử đang tồn tại hiện hữu trước mặt chúng ta, nên chúng ta không thể né tránh. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Nghị định về tiền điện tử.

Để khắc phục lỗ hổng này, Bộ Công thương đã đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp và các văn bản, thông tư liên quan. Dự thảo quy định, sản phẩm nội dung số và tài sản được tạo ra trong các chương trình phần mềm máy tính không được kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo các luật sư, nếu được ban hành, quy định trên là cơ sở rất cần thiết để các cơ quan chức năng xử phạt hành vi kinh doanh tiền ảo đa cấp và chắc chắn sẽ góp phần hạn chế bớt hoạt động của các sàn tiền ảo hiện nay, tất nhiên sẽ khó tránh tình trạng tồn tại các sàn tiền ảo đa cấp hoạt động chui.

Cũng có một thực tế là, rất nhiều người tham gia đầu tư tiền ảo đa cấp hiện nay, dù đã thấy rõ rủi ro, nhưng vẫn nhắm mắt lao vào.

Không phải mọi tiền điện tử đều là lừa đảo

Do khi du nhập vào nước ta, tiền ảo hầu hết đều được biến tướng thành một loại hình kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, nên đến nay, cả cơ quan quản lý lẫn người dân đều e ngại khi nói đến tiền ảo.

Thế nhưng, thực tế, các loại tiền điện tử rất có thể là một xu thế khó tránh trong cuộc cách mạng công nghệ số. Đơn cử, đồng Bitcoin dù không được Ngân hàng Nhà nước công nhận, song trên thế giới, đồng tiền này đã được nhiều quốc gia, tập đoàn danh tiếng chấp nhận. Tổng giá trị vốn hóa toàn cầu của Bitcoin đã lên tới trên 10 tỷ USD.

Trước sự phát triển nhanh chóng của tiền điện tử, một số quốc gia đã sớm bổ sung các quy định liên quan đến loại tiền này. Tại Việt Nam, theo ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), văn bản về tiền điện tử sẽ sớm được ban hành.

“Tiền điện tử đang tồn tại hiện hữu trước mặt chúng ta, nên chúng ta không thể né tránh. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Nghị định về tiền điện tử”, ông Bùi Quang Tiên cho biết.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là loại tiền điện tử nào cũng được chấp thuận. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước mới chấp nhận một số hình thức tiền điện tử (ví dụ như ví điện tử), còn tiền ảo vẫn không được chấp nhận là phương tiện thanh toán.

Cùng với Ngân hàng Nhà nước, được biết, Bộ Tư pháp cũng đang chuẩn bị xây dựng Dự thảo Nghị định về tiền ảo (dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017) và Dự thảo Nghị định về tài sản ảo (hoàn tất vào tháng 3/2018).

Có thể nói, việc ban hành đầy đủ các quy định pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo là một bước tiến mới của Chính phủ. Trong thời đại công nghệ số, có rất nhiều loại tiền mới, tài sản mới được nảy sinh. Cơ quan quản lý, thay vì cấm đoán, phải kịp thời tiếp cận công nghệ, sớm bổ sung quy định phù hợp để ngăn chặn các hành vi lợi dụng công nghệ để lừa đảo, đồng thời bảo đảm quyền kinh doanh và sở hữu tài sản hợp pháp của người dân.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục