Tiêm vaccine cho 95% trẻ từ 12 đến 17 tuổi trong quý IV năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các bộ, ngành cần triển khai việc đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, sẵn sàng công tác chuẩn bị để khi có vaccine có thể tiêm nhanh và an toàn nhất.
Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN). Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN).

Bộ Y tế đã chuẩn bị đủ nguồn và lựa chọn được loại vaccine phù hợp để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% học sinh thuộc đối tượng này.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại buổi làm việc chiều nay, 12/10, của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với một số bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022.

Theo rà soát của Bộ Y tế, cả nước hiện có trên 8 triệu học sinh từ 12-17 tuổi, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều.

Tổ chức tiêm sớm nhất

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, cả nước có khoảng trên 14 triệu trẻ em từ 3-11 tuổi. Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vaccine phù hợp đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để khi đảm bảo điều kiện sẽ sẵn sàng tiêm cho trẻ em lứa tuổi này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo phải tổ chức tiêm vaccine sớm và thật an toàn cho học sinh. Để thực hiện mục tiêu này, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai việc đăng ký tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, sẵn sàng công tác chuẩn bị để khi có vaccine có thể tiêm nhanh và an toàn nhất.

Bên cạnh đó, với tinh thần đến trường phải an toàn, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường; rà soát lại các quy định đảm bảo an toàn trường học đã ban hành, từ đó hoàn thiện công tác phòng chống dịch tại các trường học.

Hiện nhiều địa phương đã huy động cơ sở vật chất trường học, huy động giáo viên để phục vụ phòng chống dịch. Vì thế, để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học trở lại, Phó thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành căn cứ tình hình dịch bệnh, nơi nào không nhất thiết phải sử dụng các cơ sở giáo dục thì sớm tiến hành tu sửa.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý trong quá trình tu sửa nên củng cố thêm một bước hạ tầng thông tin phục vụ học tập để khi dịch qua đi, học sinh có môi trường học khang trang, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu học tập, trong đó có cả học trực tuyến.

Giáo viên dạy trực tuyến phòng dịch COVID-19. (Ảnh: PV).
Giáo viên dạy trực tuyến phòng dịch COVID-19. (Ảnh: PV).

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát củng cố cơ sở vật chất trường học gắn với sóng và Internet, nhất là với những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.…

Linh hoạt kế hoạch năm học

Trong bối cảnh hàng chục địa phương trên cả nước đang phải tổ chức dạy và học trực tuyến, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục phải có kế hoạch, giải pháp rất chủ động để hoàn thành kế hoạch năm học, chủ động bù đắp kiến thức cho học sinh bằng các hình thức phù hợp, trong ngắn hạn cũng như trong một vài năm tới.

Thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết bộ đã tính đến nhiều giải pháp. Cụ thể, các địa phương có thể tùy tình hình trên địa bàn để linh hoạt trong việc kết thúc năm học, trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian năm học để bù đắp kiến thức cho học sinh. Bộ cũng chủ trương khi học sinh trở lại học trực tiếp vẫn tiếp tục duy trì việc học trực tuyến, qua truyền hình như công cụ duy trì trong việc bù đắp, củng cố kiến thức các em.

Việc củng cố kiến thức cho học sinh không chỉ được ngành giáo dục thực hiện trong năm học 2021-2022 mà sẽ còn được tiếp tục ở những năm tiếp theo. Để hỗ trợ giáo viên thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ biên soạn các tài liệu nhằm lưu ý về một số kỹ năng cho giáo viên khi dạy củng cố kiến thức cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của học sinh.

Dù triển khai nhiều giải pháp nhưng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đây là một thách thức với ngành, toàn ngành sẽ phải nỗ lực cố gắng đồng thời cũng cần sự hỗ trợ của phụ huynh, xã hội và phải tính đến các giải pháp tổng hợp.

Thống nhất với phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc linh hoạt kế hoạch kiểm tra, đánh giá học kỳ, cuối năm học không chỉ cấp tỉnh mà sâu hơn, xuống cấp huyện, cấp xã.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành giáo dục làm tốt hơn nữa việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với lớp 1, lớp 2, lớp 6 có hiệu quả; chuẩn bị để triển khai các năm tiếp theo theo hình thức cuốn chiếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo bám sát các nội dung Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo; chuẩn bị sơ kết đánh giá từng nội dung; có kiến nghị nếu có nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục