Tuy nhiên, có nhiều DN đã trở thành một thương hiệu lớn trong nước sau vài năm niêm yết. Nếu như có các thông tin chắc chắn, chi tiết về công ty, thì NĐT nên tin tưởng vào quyết định đầu tư của mình. Sau những quyết định mạnh dạn đó thì nhiều NĐT đã có bước bứt phá ngoạn mục và giành được cơ hội nâng cao giá trị tài khoản.
Và cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của các hãng đã có tên tuổi để sinh lời lớn không hẳn sẽ dễ dàng. Vấn đề là NĐT cần nhìn ra tiềm năng của những công ty mới phát hành cổ phiếu, cũng như nhận biết được thực lực của DN. Để đánh giá được điều này là một quá trình không đơn giản. Bên cạnh các mặt về tài chính, quản lý và phương thức cạnh tranh mà DN nào cũng phải coi trọng, thì NĐT cần cân nhắc thêm một số yếu tố khác như văn hóa DN, sự sáng tạo, năng lực hoạt động và sức mạnh tổ chức nội bộ.
Một DN tiềm năng là bản thân DN luôn coi khách hàng là “thượng đế”, lấy ý kiến và thị hiếu của khách hàng làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Các công ty thường mất đi lượng khách hàng lớn chỉ sau một số năm hoạt động, do hầu hết các công ty này sau một thời gian thu hút được một lượng khách hàng nhất định thì không chăm sóc chu đáo khách hàng của mình. DN bộc lộ các mặt hạn chế, thu hẹp các lợi thế và dịch vụ cạnh tranh, chất lượng phục vụ cũng kém đi, dẫn đến việc khách hàng bỏ đi tìm nhà cung cấp khác. Khi khách hàng bỏ đi, họ gần như là không bao giờ quay lại sử dụng sản phẩm, dịch vụ của DN đó. Chính vì vậy, DN cần luôn đặt sự trải nghiệm của khách hàng lên vị trí đầu tiên và là trung tâm của mọi hoạt động.
DN cũng cần cải tiến phương pháp quản trị và tuyển dụng những nhân viên cho phù hợp với thực tế. Phần lớn DN đều chú trọng xây dựng quy trình bài bản cho việc cải tiến chất lượng sản phẩm, đầu tư nhiều cho công tác nghiên cứu và phát triển, nhằm giành vị trí dẫn đầu về một lĩnh vực nào đó. Thực tế cho thấy, cải tiến phương pháp quản trị mới là lực đòn bẩy, thúc đẩy tất cả các bộ phận khác cùng phát triển.