Tiềm ẩn nguy cơ lẩn tránh xuất xứ để xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
Ngành gỗ xuất khẩu đang đề cao cảnh giác trước nghi vấn doanh nghiệp nhập khẩu chi tiết bộ phận mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc rồi gia công, lắp ráp để xuất khẩu.
 Đồ gỗ là một trong các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ Hiệp định UKVFTA. Đồ gỗ là một trong các ngành hàng xuất khẩu được hưởng lợi lớn từ Hiệp định UKVFTA.

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu

Những năm qua, xuất khẩu nhiều ngành hàng lớn của Việt Nam như điện thoại, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may, sắt thép, phụ tùng… liên tục có sự tăng trưởng, đã thu hút một lượng lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực xuất khẩu.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng thông qua 14 hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, cơ hội mở rộng thị trường với các ngành hàng rất lớn, nhưng cũng dẫn đến tình trạng giả mạo hàng Việt Nam để xuất khẩu, đẩy không ít ngành hàng lâm vào cảnh mất thị trường nếu không chặn được hành vi gian lận xuất xứ.

Lo ngại về những rủi ro trong hoạt động nhập khẩu bộ phận mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm, tiềm ẩn nguy cơ lẩn tránh xuất xứ để xuất khẩu, mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát chặt việc nhập khẩu mặt hàng này.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp hội viên, thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhập khẩu bộ phận, chi tiết của các sản phẩm tủ bếp, tủ nhà tắm từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh, hàm lượng gia công rất ít, để xuất khẩu.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, hình thức gian lận phổ biến là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam.

Một chiêu khác là doanh nghiệp Việt Nam nhập bộ phận các mặt hàng có yếu tố rủi ro, mua bán lòng vòng qua các công ty khác nhau. Các bộ phận mặt hàng này sau đó sẽ được tập hợp lại tại một công ty, công ty này lắp ráp và lấy danh nghĩa sản phẩm do mình sản xuất để xuất khẩu.

“Mặc dù chưa có kết quả kiểm chứng chính xác những thông tin trên, tuy nhiên, giá trị nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng này đang gia tăng mạnh thời gian gần đây, cho thấy nghi vấn này là hoàn toàn có cơ sở”, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nói.

Do đó, để đề phòng, ngăn ngừa tình trạng gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa và trong bối cảnh Mỹ đang điều tra mặt hàng gỗ dán, Viforest đề nghị 3 bộ phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi ngờ để có biện pháp ngăn chặn, kịp thời xử lý vi phạm.

Tăng cường theo dõi doanh nghiệp có biểu hiện nghi vấn

Theo đại diện Viforest, trong 2 năm gần đây, Mỹ đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc, bằng cách áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp cao với mức thuế từ 55% đến gần 200% như với gỗ dán, tủ bếp, tủ nhà tắm, sofa gỗ…

Việc kiểm soát này khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyến hướng đầu tư hoặc tìm các biện pháp để lẩn tránh thuế, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến.

Giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây là một điều đáng mừng, nhưng cũng tiểm ẩn những yếu tố rủi ro do giá trị xuất khẩu chủ yếu tăng ở các mặt hàng mà Mỹ đang áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc.

Năm 2020, bất chấp những gián đoạn của chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngành sản xuất gỗ và đồ gỗ của Việt Nam đã tiếp nhận một lượng lớn đơn hàng, giá trị đạt trên 12,6 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp.

Đà tăng này tiếp tục được duy trì trong quý I/2021, với giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 3,788 tỷ USD, tăng 44,9% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ thuận với xuất khẩu, thì nhập khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong quý I vừa qua đạt gần 729 triệu USD, tăng 37,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó nhập từ Trung Quốc đạt 225 triệu USD, tăng trên 50%, chiếm 31% tổng giá trị nhập khẩu.

Để chặn hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam, bà Phạm Châu Giang, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay, Bộ đang phối hợp xác minh các hành vi gian lận liên quan đến xuất xứ đối với một số mặt hàng như xe đạp, xe đạp điện, gỗ ván sàn, tấm pin năng lượng mặt trời, thép phủ sơn…

Bộ Công thương đã trao đổi với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) đề xuất xây dựng cơ chế xuất khẩu tự nguyện nhằm hạn chế rủi ro gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, dự kiến áp dụng đối với các mặt hàng xuất khẩu được đánh giá là có nguy cơ lẩn tránh cao.

Theo Tổng cục Hải quan, để ngăn chặn gian lận xuất xứ, ngành hải quan sẽ đưa vào tầm ngắm các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu, Ấn Độ có tốc độ kim ngạch tăng trưởng cao, đột biến, hay chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có khả năng nhập khẩu về Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản để xuất khẩu.

Các doanh nghiệp có tần suất xuất khẩu nhiều, thời gian xuất khẩu giữa các lô hàng ngắn, không tương thích với quy trình, thời gian sản xuất sản phẩm; doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghệ cao tại Việt Nam chưa sản xuất được… sẽ là đối tượng bị theo dõi.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2020, toàn ngành hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc và phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ, tịch thu nhiều loại hàng hóa, trong đó có hơn 12.000 bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp.

Thế Hoàng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục