Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2009 đạt 430 triệu USD. Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này từ đầu năm đến nay đạt 3,49 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2008.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nhận định, nguyên nhân dẫn tới xuất khẩu thủy sản suy giảm mạnh là sức tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu chính đều co hẹp do tác động của suy thoái kinh tế và xu thế bảo hộ sản xuất trong nước ở các thị trường nhập khẩu.
Trong 3 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản (chiếm trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu), xuất khẩu vào EU đã giảm 1,7% về khối lượng và 6,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008; vào thị trường Nhật Bản giảm trên 20% về khối lượng và trên 10% về giá trị.
Mỹ được coi là thị trường có nhiều thách thức đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, với các rào cản thuế quan và kỹ thuật. Tuy nhiên, xuất khẩu vào thị trường này lại có tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định nhất trong 10 tháng qua, với khối lượng đạt trên 90.000 tấn, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2008.
“Sau một thời gian dài xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ bị suy giảm do ảnh hưởng từ vụ kiện bán phá giá cá tra, ba sa và tôm sú (năm 2001), hiện tại, các sản phẩm này đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Mỹ”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, ông Phương cũng cảnh báo, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức cẩn trọng khi xuất khẩu thủy sản vào Mỹ, bởi bên cạnh vụ kiện chưa có hồi kết, Mỹ đặc biệt chú ý đến những sơ hở của doanh nghiệp. Ngoài ra, Đạo luật Farm bill của Mỹ cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (cá tra) sang Mỹ.
Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trong bối cảnh các nước nhập khẩu ngày càng đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, một số thị trường còn đưa ra những quy định khắt khe, ngặt nghèo đến mức vô lý, thì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ gặp trở ngại lớn trong thời gian tới.
Chẳng hạn, thị trường EU đòi hỏi về chỉ tiêu kháng sinh cực thấp (gần bằng 0%), trong khi bản thân kháng sinh đã có trong điều kiện bình thường, hoàn toàn không do chất kháng sinh phòng trừ bệnh hay thức ăn thuỷ sản.
Hoặc mới đây, Ukraine ban bố sắc lệnh về kiểm soát chất lượng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật nhập khẩu vào nước này. Theo đó, các cơ sở chế biến thực phẩm xuất khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền của Ukraine kiểm tra và công nhận điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cấp phép xuất khẩu. Lẽ ra, quy định này đã có hiệu lực từ tháng 7/2009, nhưng do phía Việt Nam chủ động trao đổi, đàm phán để có thời gian cho các DN xuất khẩu chuẩn bị, nên lệnh này được hoãn đến ngày 14/1/2010.
“Thời gian còn lại rất ngắn, nên phía Việt Nam đang gấp rút mời cơ quan thẩm quyền của Ukraine sang kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, để tránh tình trạng xuất khẩu bị gián đoạn”, ông Xuân cho biết.
Ngoài ra, thị trường Đức, Đubai cũng yêu cầu tỷ mỷ về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, nếu doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng hóa chất, chất phụ gia trong chế biến thì phải ghi rõ trên nhãn mác, bao bì, nếu không (dù là không cố ý) cũng có thể bị phạt nặng, thậm chí bị cấm xuất khẩu.
Thị trường Đubai, Ai Cập còn quy định, thủy sản đông lạnh nhập khẩu chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 6 tháng kể từ ngày sản xuất, trong khi việc chuẩn bị hàng hóa và vận chuyển đã mất từ 1-2 tháng. Quy định này đã làm cho thời hạn sử dụng còn lại của sản phẩm rất ngắn, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương, với sự phục hồi của kinh tế thế giới và nhu cầu tăng cao phục vụ lễ hội cuối năm và đón năm mới của các nước, giá thủy sản xuất khẩu đang có xu hướng tăng trở lại, nhưng đây chỉ là yếu tố nhất thời. “Ngành NN&PTNT đang nỗ lực triển khai các biện pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu thủy sản. Mặc dù vậy, không thể đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự bứt phá của nhóm hàng này”, ông Phương nói.