Tuần sau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp thứ 57 từ ngày 14 - 16/6.
Dự kiến, ngày đầu tiên, Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, sau đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nội dung này.
Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại phiên họp thứ 57.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Việc xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Thỏa thuận cam kết và Bảo lãnh của Chính phủ cũng nằm trong chương trình phiên họp.
Vào thứ Tư (16/6) Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021.
Đây cũng là nội dung đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội lấy ý kiến chuyên gia và bàn thảo trong cuộc họp Thường trực mở rộng hai ngày 10 và 11/6 vừa qua.
Theo báo cáo của Chính phủ, 5 tháng đầu năm nay kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng trước, bình quân 5 tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra.
Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so với cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 5 tháng ước tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên cả chuyên gia và một số thành viên Uỷ ban Kinh tế đều lo ngại các yếu tố tiềm ẩn rủi ro lạm phát, sức khoẻ doanh nghiệp yếu, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch theo hướng nguy cơ bong bóng tài sản, bất động sản, chứng khoán...
Chính phủ dự báo, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng; rủi ro về thiên tai, dịch bệnh; đời sống nhân dân và hoạt động kinh doanh còn khó khăn…
Trong đó, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế.
Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Uỷ ban Kinh tế sẽ chính thức thẩm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021.để trình Quốc hội khoá XV tại kỳ họp thứ nhất sẽ khai mạc vào ngày 20/7 tới.