Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến xử lý vướng mắc một số dự án BOT

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ quyết định dự kiến chương trình phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. diễn ra từ ngày 10/10 - 12/10.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.

Liên quan đến vấn đề này, như Báo Đầu tư đã thông tin, Bộ Giao thông - Vận tải đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận giải pháp xử lý bất cập tại 8 dự án BOT.

Trong số này có Hạng mục Đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14 - Km50+889; Dự án Cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc; Dự án Xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng; Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C…

Thời gian ba ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về công tác nhân sự, tham gia ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tại khoản này, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 - PV).

Nội dung được cho ý kiến còn có các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá cũng sẽ được đặt lên bàn nghị sự ở phiên họp này.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Cho ý kiến về báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TPHCM báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội.

Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội cũng sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Theo dự kiến chương trình nói trên thì rất có thể việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm sẽ được đưa vào chương trình kỳ họp thứ tư.

Trước đó, các nội dung này chưa thể hiện trong dự kiến chương trình kỳ họp gửi kèm công văn triệu tập kỳ họp (cuối tháng 9/2022) do Chính phủ chưa gửi hồ sơ tài liệu.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục