Thương vụ M&A tiên phong của ngành đường

(ĐTCK) Theo nguồn tin riêng của chúng tôi cho biết, CTCP Đường Biên Hoà (BHS - sàn HOSE) và CTCP Đường Ninh Hòa (NHS - sàn HOSE) chuẩn bị việc sáp nhập (M&A). Các chuyên gia cho rằng, cuộc “se duyên” giữa BHS và NHS là điều tất yếu trong bối cảnh các doanh nghiệp mía đường đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay.
Ngành mía đường Việt Nam sắp chứng kiến thương vụ sáp nhập giữa BHS và NHS Ngành mía đường Việt Nam sắp chứng kiến thương vụ sáp nhập giữa BHS và NHS

Cần thêm chiếc áo mới

Với bề dày 45 năm phát triển, BHS đã khẳng định được vị thế về quy mô và thương hiệu. Cụ thể, BHS hiện đứng thứ hai về quy mô vốn và sản xuất trong tổng số 41 doanh nghiệp đường đang hoạt động. BHS sở hữu 3 nhà máy sản xuất đường, vừa hoàn tất việc nâng cấp lớn trong năm 2013 với công suất tối đa là 1.030 tấn đường thành phẩm/ngày.

Là doanh nghiệp duy nhất sở hữu nhà máy đường luyện công nghệ Nhật Bản, BHS có thể sản xuất quanh năm với chất lượng cao và ổn định mà không phụ thuộc vào vùng nguyên liệu như các công ty đường khác. Điều này giúp BHS đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm đa dạng, chất lượng cao và tốt cho sức khỏe như đường tinh luyện (RE), đường Vitamin, rượu, đường phèn, đường vàng khoáng chất, đường nâu tự nhiên…

Với hệ thống phân phối rộng khắp, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm mua các sản phẩm đường Biên Hòa tại các cửa hiệu và siêu thị trên khắp cả nước. Bên cạnh sản phẩm công nghiệp, Công ty cung ứng đường sản xuất cho các công ty thực phẩm, dược phẩm hàng đầu Việt Nam như Vinamilk (VNM), Vinacafe (VCF), Dược Hậu Giang (DHG), Pepsi, Ajinomoto...

Thị trường tiêu thụ đường của BHS hiện tập trung phần lớn tại khu vực Đông Nam Bộ, cụ thể là TP. HCM chiếm khoảng 73,7% doanh thu của Công ty, các tỉnh khác thuộc Đông Nam Bộ chiếm 19,4% doanh thu và các tỉnh thành khác chỉ chiếm khoảng 7% doanh thu. Để giữ vững đà tăng trưởng, BHS cần tập trung nâng công suất và đẩy mạnh phát triển hơn nữa thị phần miền Bắc, cũng như hoạt động xuất khẩu sang các nước khu vực. Trong bối cảnh hội nhập AFTA với việc miễn thuế nhập khẩu đường từ các nước ASEAN vào năm 2015, gia nhập TPP sắp tới, để củng cố nội lực, BHS cần một “chiếc áo” rộng hơn để phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp đường trong và ngoài nước. Do đó, việc M&A với một số công ty đường có cùng chí hướng để trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh hơn về quy mô tài chính, năng lực kinh doanh cũng như nâng cao vị thế cạnh tranh là điều mà BHS đang hướng tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp, ngành đường đang rơi vào khủng hoảng và Chính phủ chưa cho phép xây dựng nhà máy đường mới thì việc M&A giữa BHS và NHS được các chuyên gia đánh giá là một hướng đi đúng đắn.

Cộng hưởng cùng phát triển

Giới chuyên môn cho rằng, việc M&A giữa BHS và NHS sẽ giúp NHS phát triển mạnh thị phần tại khu vực miền Bắc và miền Trung mà không cần phải đầu tư thêm một nhà máy sản xuất đường mới, đồng thời, cũng giúp công ty tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Đổi lại, sản phẩm chính của NHS là đường RS sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào để BHS sản xuất đường RE. Điều này gián tiếp giúp BHS giải cơn khát nguyên liệu. Dù khoảng cách địa lý xa, BHS không thể tận dụng hoàn toàn nguồn cung nguyên liệu từ NHS, nhưng trong những thời điểm đặc biệt thì NHS vẫn có thể hỗ trợ BHS đảm bảo công suất sản xuất, hoàn tất đúng thời hạn các hợp đồng lớn đã ký. Đồng thời, hai bên cũng giảm được các chi phí trung gian khi cả hai chỉ dựa trên quan hệ đối tác, mua bán như hiện nay. Chưa hết, BHS còn tận dụng được nguồn phế phẩm để chạy máy phát điện từ nhà máy mà NHS đang nâng cấp.

Hơn thế nữa, việc M&A giữa NHS vào BHS sẽ tạo ra sự cộng lực nâng quy mô và tầm cỡ của BHS lên cấp quốc gia. Công suất ép mía của BHS và NHS có thể nâng lên 12.000  tấn mía/ngày (TMN), trở thành công ty có công suất ép mía lớn nhất cả nước và trong tương lai sẽ đạt xấp xỉ 13.000 TMN. Từ đó, BHS đủ sức đối mặt với thách thức hội nhập AFTA và TPP đang đến gần, đủ khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu sang nước ngoài và thu hút sự quan tâm và đầu tư của các nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Một số chuyên gia cũng nhận định, việc kết hợp BHS và NHS sẽ giúp cho 2 công ty cùng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của nhau, đồng thời cũng tiết giảm chi phí như chi phí vận chuyển, chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm… Những yếu tố này tạo cơ sở để BHS có thể cung cấp cho người tiêu dùng khắp cả nước những sản phẩm đa dạng, chất lượng hơn với giá cả cạnh tranh hơn.

Dưới góc độ quản trị tài chính, các chuyên gia cho rằng, với quy mô công ty lớn hơn sẽ tạo tiền đề cho BHS thu hút nhân tài, nhân sự cao cấp trong ngành đường. Đồng thời, với quy mô vốn chủ sở hữu tăng lên tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công ty trong việc huy động thêm vốn vay từ ngân hàng.

Về phía các cổ đông cũng được hưởng lợi từ việc M&A lần này giữa BHS và NHS. Khi hiệu quả hoạt động được gia tăng sau sáp nhập nhờ cộng lực các yếu tố như cắt giảm chi phí ở những bộ phận có cùng chức năng, tăng doanh thu, nâng cao tiềm lực tài chính sẽ làm gia tăng giá trị doanh nghiệp, và quan trọng là làm tăng giá trị vốn chủ sở hữu và thanh khoản cổ phiếu được tốt hơn.

Minh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục