Thương vụ M&A giữa Accor và InterContinental: Đe dọa soán ngôi Marriott

0:00 / 0:00
0:00
Nếu thương vụ M&A giữa Accor và InterContinental thành công, một tập đoàn điều hành khách sạn lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa 17 tỷ USD được tạo ra, có thể đe dọa vị thế của Marriott.
Marriott liệu có giữ được vị trí tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới? Marriott liệu có giữ được vị trí tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới?

Kịch bản cho thương vụ M&A lịch sử

Sebastien Bazin, 59 tuổi, quốc tịch Pháp là một chuyên gia sừng sỏ về đầu tư bất động sản. 7 năm trước, ông được Accor - tập đoàn quản lý và kinh doanh chuỗi khách sạn lớn nhất nước Pháp bổ nhiệm chức vụ CEO, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Accor.

Trước đó, Sebastien Bazin là CEO Quỹ Đầu tư tư nhân Colony Capital (Mỹ) chi nhánh châu Âu.

Thời điểm đó, Accor phải cạnh tranh gay gắt với các “đại gia” tầm cỡ toàn cầu khác, như InterContinental Hotels Group (IHG), Marriott, Starwood, Hilton…, trong khi các cổ đông Accor đã thúc giục Ban lãnh đạo phải đầu tư mạnh vào các thị trường mới, quan trọng như Brazil, Ấn Độ…

Thực tế, từ năm 2005, ông Sebastien Bazin đã có chân trong Ban Giám đốc Accor và giữ cương vị Phó chủ tịch từ tháng 4/2013.

Ông cũng là “đạo diễn chính” cho Colony Capital đầu tư 1 tỷ euro (1,34 tỷ USD) vào Accor năm 2005. Uy tín của ông Sebastien Bazin trong giới đầu tư, kinh doanh Pháp khá cao, khi 2 khoản đầu tư lớn khác của Colony Capital (mà ông trực tiếp tham gia) chỉ mua đi, bán lại cũng mang lại lợi nhuận khá.

Đó là khoản đầu tư vào đội bóng Paris Saint - Germain (mua cổ phần năm 2006, bán lại cho nhà đầu tư Qatar năm 2010); và mua lại lâu đài Château Lascombes rồi bán đi năm 2011.

Giờ đây, với vị trí Chủ tịch và CEO Accor, ông lại đang bắt đầu một thương vụ M&A lịch sử mới trong ngành quản lý khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp trên toàn thế giới.

Dù rất thận trọng và chưa liên hệ với InterContinental, nhưng trong tháng 6/2020, ông Sebastien Bazin đã thành lập ủy ban nội bộ để nghiên cứu về thương vụ sáp nhập.

Thông tin được rỉ tai tới giới truyền thông, khiến giá cổ phiếu của cả hai tên tuổi này đều tăng lên: cổ phiếu Accor tăng hơn 3%, còn cổ phiếu của InterContinental tăng gần 2%.

Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) ước tính, Covid -19 đã khiến ngành du lịch toàn cầu thiệt hại hơn 300 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2020, cao gấp 3 lần so với khoản thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Ông Zurab Pololikashvili, Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới cho rằng, ngành du lịch ảm đạm sẽ đe dọa kế sinh nhai của hàng triệu người. Trong đó, các ông lớn trong ngành dịch vụ nghỉ dưỡng như IHG và Accor cũng bị nhấn chìm.

Cổ phiếu của Accor đã giảm hơn 40% trên thị trường ngoài Mỹ, trong khi giá trị cổ phiếu InterContinental đang được niêm yết trên sàn chứng khoán New York giảm hơn 23%.

Mới đây, S&P Global đã hạ bậc xếp hạng Accord xuống nhóm cổ phiếu rác, đồng nghĩa từ nay, tập đoàn này sẽ phải trả lãi suất cao hơn.

Do đó, giới phân tích không loại trừ khả năng, thông tin M&A giữa InterContinental và Accor chỉ là lời đồn để lấy lại giá trị cổ phiếu.

Song họ cũng cho rằng, khả năng thành công, chốt thương vụ sẽ sớm thành hiện thực hơn, nếu cổ phiếu InterContinental chạm đáy như đầu năm 2019. Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu của 2 công ty đều đã phần nào phục hồi.

Nếu thương vụ M&A này thành công, sẽ mang lại ý nghĩa địa lý cho cả hai doanh nghiệp. Các thương hiệu của Accor chủ yếu hoạt động mạnh ở châu Âu, trong khi InterContinental lại chú trọng thị trường Mỹ và Trung Quốc.

Điều này cũng sẽ giúp hai công ty tiết kiệm được chi phí đáng kể, như chi tiêu cho tổng hành dinh, hệ thống bảo trì cũng như phí vận hành các chương trình dành cho khách hàng thân thiết.

Accor với tâm điểm hướng về châu Á

Đến nay, diễn biến thương vụ M&A giữa Accor và InterContinental vẫn là một ẩn số, song với quy mô hoạt động trên toàn cầu, nó cũng khiến giới đầu tư đứng ngồi không yên. Thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ.

Hiện IHG có 14 khách sạn với hơn 4.000 phòng cho 4 thương hiệu tại Việt Nam là Six Senses, InterContinental, Crowne Plaza và Holiday Inn.

Hơn một nửa trong số đó mang thương hiệu InterContinental, nổi bật là khu nghỉ dưỡng - khách sạn InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort và InterContinental Phú Quốc Long Beach Resort. Ngoài ra, Hanoi Landmark 72 cũng thuộc quản lý của tập đoàn này.

Ông Rajit Sukumaran, CEO của IHG tại khu vực Đông Nam Á và Hàn Quốc tiết lộ, Tập đoàn đang trong tiến trình nhân đôi quy mô bất động sản trong vòng 3 - 5 năm tới.

Dự án tiếp theo đang được mong đợi là Regent Phú Quốc dự kiến khai trương trong năm 2020.

Đây là khách sạn mở đường cho thương hiệu Regent tiến vào thị trường Việt Nam. Cùng với đó, các thương hiệu khác, như Hotel Indigo và Holiday Inn Express, cũng sẽ sớm được ra mắt.

Trong tương lai gần, IHG tiếp tục đẩy mạnh nhu cầu sử dụng đối với các khách sạn hiện có và sẵn sàng chào đón du khách quốc tế ngay khi các đường bay quốc tế được mở lại.

Về phía Accor, tập đoàn này cũng có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, bắt đầu bằng việc giới thiệu khách sạn Metropole (Sofitel Legend Metropole Hà Nội).

Đến nay, Accor đang quản lý gần 30 khách sạn trên cả nước, với các tên tuổi nổi bật như Sofitel, Pullman, MGallery, Novotel, Mercure và Premier Village Danang Resort.

Cần phải nhắc lại là, việc lên kế hoạch M&A với InterContinental của Chủ tịch Accor, ông Sebastien Bazin, có thể là một động thái thể hiện quyết tâm đầu tư sâu hơn vào các thương hiệu xa xỉ, nơi đem lại nguồn lợi nhuận ngày càng cao hơn.

Theo tính toán của ông Sebastien Bazin trước khi Covid-19 xảy ra, dự kiến trong năm 2020, các thương hiệu xa xỉ sẽ chiếm 50% doanh thu của toàn Tập đoàn (trong khi 7 năm trước chỉ chiếm 20%).

Accor đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Hilton và Marriott tại thị trường Mỹ, do đó, đây là thời điểm tốt để mở rộng vào thị trường châu Á. Theo giới quan sát, ở châu Á, cứ 3 ngày sẽ có một bất động sản thuộc sở hữu của Accor được khai trương.

Thương hiệu này đang có nhiều lợi thế để hiện diện ở khắp nơi, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành khách sạn đang đứng trước những đợt sáp nhập lớn.

Muốn trở thành kẻ săn mồi, Accor phải đảm bảo độ bành trướng càng nhanh càng tốt. Mỗi thương hiệu được thêm vào đều mang đến cho Accor cơ hội để thu hút chủ sở hữu.

Thực tế, Accor cần các chủ sở hữu và thương hiệu, vì tập đoàn này hoạt động theo mô hình quản lý khách sạn kiểu sở hữu ít tài sản. Minh chứng là, hơn 90% khách sạn của Accor được vận hành theo thỏa thuận quản lý và nhượng quyền.

Sau khi bán 58% cổ phần bất động sản vào năm 2018 cho một nhóm các nhà đầu tư, ông Sebastien Bazin đã mua lại nhiều thương hiệu khách sạn để củng cố sự ổn định của Accor.

Marriott vẫn tự tin?

Những động thái mạnh mẽ của Accor liệu có thật sự đe dọa vận mệnh của Marriott International (MI), công ty mẹ của những tên tuổi lớn trong ngành khách sạn và nghỉ dưỡng, từ chuỗi khách sạn xa xỉ như JW Marriott, The Ritz-Carlton, St. Regis, Renaissance cho đến bình dân hơn như Fairfield Inn hay Courtyard?

Cái tên gần đây nhất gia nhập “gia đình” MI là chuỗi khách sạn Sheraton. Tại Việt Nam, thương hiệu Marriott đã có mặt ở Hà Nội, Phú Quốc, TP.HCM, và tương lai gần ở Hạ Long, Đà Nẵng…

Trong đó, JW Marriott Hanoi thuộc chuỗi khách sạn sang trọng JW Marriott mà Tập đoàn MI triển khai, xây dựng và quản lý.

Bí quyết của MI nằm ở chiêu thức “cá lớn nuốt cá bé”, với những thương vụ M&A đình đám. Cuối năm 2014, MI trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất thế giới sau thương vụ chi 13,6 tỷ USD để mua đối thủ Starwood Hotels.

Arne Sorenson, CEO của MI luôn có tâm thế trở nên lớn mạnh nhất có thể. Ông luôn có chiến lược phát triển vượt bậc vì tốc độ phát triển công ty sẽ bị giới hạn khi chỉ bơi trong vùng an toàn.

Trong khi đối thủ Accor tiến lên phân khúc xa xỉ, thì MI lại nhận ra, nếu chỉ điều hành các khách sạn dành cho khách thượng lưu cùng dịch vụ trọn gói, thì công ty không thể phát triển mạnh mẽ và lớn hơn nữa. Vì thế, MI bắt đầu xây dựng các kiểu phòng cho thuê khác, bao gồm nhiều mức giá cho các tầng lớp khác nhau, từ giá cao, trung bình đến giá rẻ và lưu trú dài hạn.

Thị trường khách sạn giá trung bình và giá rẻ trở thành nguồn sinh lợi của MI, góp phần thúc đẩy tập đoàn này bước vào thời kỳ thịnh vượng.

Sự lo lắng về việc mở khách sạn hạng trung bình và rẻ sẽ ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của Marriott cũng đã tiêu tan, khi các quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ của chuỗi khách sạn hạng sang được áp dụng vào các mô hình còn lại.

Đặc biệt, khác với những đối thủ khác, trong quá trình mở rộng, nhà sáng lập MI là John Marriott cam kết sẽ không đánh mất bản sắc truyền thống với các mục tiêu không ngừng cải tiến dịch vụ đã mang lại thành quả đáng kể.

Do đó, khi thương vụ M&A giữa Accor và InterContinental còn là ẩn số, thì Marriott vẫn tự tin về vị thế và khả năng vượt bão của mình.Dựa trên giá trị trường hiện tại, công ty mới được hình thành từ việc M&A giữa Accor và InterContinentalsẽ có giá trị vốn hóa khoảng 17 tỷ USD, tập hợp khoảng 5.000 bất động sản của Accor (gồm các thương hiệu Raffles, Sofitel, Ibis) và 6.000 khách sạn của InterContinental (gồm các tên tuổi như Holiday Inn, Crowne Plaza).Đặc biệt, nếu vụ sáp nhập thành sự thật, Marriott sẽ không còn là tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới, bởi InterContinental và Accor đang sở hữu tổng cộng 1,6 triệu phòng khách sạn trên toàn cầu, trong khi Marriott có 1,3 triệu phòng.

Dựa trên giá trị trường hiện tại, công ty mới được hình thành từ việc M&A giữa Accor và InterContinentalsẽ có giá trị vốn hóa khoảng 17 tỷ USD, tập hợp khoảng 5.000 bất động sản của Accor (gồm các thương hiệu Raffles, Sofitel, Ibis) và 6.000 khách sạn của InterContinental (gồm các tên tuổi như Holiday Inn, Crowne Plaza).Đặc biệt, nếu vụ sáp nhập thành sự thật, Marriott sẽ không còn là tập đoàn quản lý khách sạn lớn nhất thế giới, bởi InterContinental và Accor đang sở hữu tổng cộng 1,6 triệu phòng khách sạn trên toàn cầu, trong khi Marriott có 1,3 triệu phòng.

Anh Hoa
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục