Trong cuộc bỏ phiếu đêm 7/10 (giờ Mỹ), 11 thành viên đảng Cộng hòa đã cùng với tất cả 50 thành viên đảng Dân chủ đã bỏ phiếu thông qua dự luật về tăng trần nợ. Với 60 phiếu thuận - số phiếu tối thiểu cần thiết để kết thúc tranh luận và thông qua tại Thượng viện, dự luật đã được sang Hạ viện để xem xét bỏ phiếu trong những ngày tới.
Phe Dân chủ đã chật vật để có được sự ủng hộ của Thượng viện về việc nâng trần vay nợ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó đã cảnh báo nước này có nguy cơ xảy ra thảm họa kinh tế nếu Quốc hội không tăng hoặc hoãn áp dụng trần vay trước ngày 18/10.
Việc Thượng viện bỏ phiếu thông qua dự luật trên giúp Mỹ có thể nâng trần nợ cho đến đầu tháng 12. Dự luật cho phép nâng trần nợ thêm 480 tỷ USD, một khoản tiền mà Bộ Tài chính ước tính sẽ giúp Mỹ thanh toán các khoản nợ đến ngày 3/12. Nợ quốc gia của Mỹ hiện đứng ở mức 28.400 tỷ USD và sẽ được cơi nới lên khoảng 28.800 tỷ USD.
Như vậy, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã đạt được bước đột phá sau nhiều tuần tranh cãi về dự luật mà không có kết quả.
Trên thực tế, những tuần gần đây đảng Cộng hòa đã ra sức thúc ép đảng Dân chủ tự tăng trần nợ mà không cần đến sự ủng hộ từ phía đảng Cộng hòa. Thực chất, các thành viên đảng Cộng hòa muốn phe Dân chủ nâng trần vay nợ thông qua việc điều chỉnh ngân sách, một quá trình có thể khiến đảng Dân chủ phải chịu trách nhiệm về một phần lớn nợ quốc gia trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
Các đảng viên Cộng hòa cũng cho rằng gánh nặng tăng trần nợ sẽ thuộc về phe Dân chủ do chính quyền Biden muốn thông qua kế hoạch chi tiêu hàng ngàn tỷ USD cho biến đổi khí hậu và chống đói nghèo, bằng cách sử dụng quy tắc "reconciliation" (hòa giải).
Về phía phe Dân chủ, Tổng thống Joe Biden đã công kích lại các đảng viên Cộng hòa và cho rằng luật về trần nợ có tính lưỡng đảng. Các thành viên đảng Dân chủ cũng lưu ý rằng họ đã từng ủng hộ ba lần trì hoãn nâng trần nợ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, thời điểm mà nợ quốc gia của Mỹ phình ra 7.900 tỷ USD.