Theo Chicago Tribune, tỷ lệ bỏ phiếu 57-42 cho thấy sự chia rẽ giữa hai đảng và những khó khăn ông Pompeo có thể gặp phải khi ông chuyển từ giám đốc CIA sang lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Trong số 14 Đảng viên Đảng Dân chủ từng ủng hộ Pompeo giữ chức Giám đốc CIA hồi năm 2017, chỉ 6 người bầu cho ông lần này.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, quan chức cấp cao của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện và cũng là người thay đổi phiếu bầu cho ông Pompeo, nói “thất vọng” vì ông Pompeo đã không cố gắng “từ bỏ quan điểm cực đoan mà ông thể hiện tại Quốc hội” – chẳng hạn như những lời chỉ trích người Hồi giáo Mỹ và phản đối hôn nhân đồng giới.
Tổng thống Trump gọi ông Pompeo là một người yêu nước với “tài năng, năng lượng và tài trí” sẽ phục vụ tốt cho quốc gia. “Ông ấy sẽ luôn đặt lợi ích của Mỹ lên đầu tiên”, Trump nói. “Ông ấy có sự tin tưởng và ủng hộ từ tôi”.
Mike Pompeo, từng là giám đốc CIA thân cận với tổng thống, sẽ đảm nhiệm chức vụ tại Bộ Ngoại giao trong bối cảnh Mỹ đối mặt với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại, nổi bật là thỏa thuận hạt nhân Iran và cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Ông Pompeo cũng sẽ đóng vai trò nổi bật trong đàm phán mối quan hệ giữa chính quyền Trump và đồng minh châu Âu và đối phó với sự công kích từ Nga.
Trong các vấn đề đối ngoại, Pompeo được mong đợi sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt với Trump hơn người tiền nhiệm, Rex Tillerson. Ông Tillerson có mối quan hệ đầy sóng gió với tổng thống, mâu thuẫn với các nhân viên cảm thấy thiệt thòi dưới sự lãnh đạo của ông.
74.000 nhân viên của bộ mong đợi ông Pompeo trân trọng chuyên môn của họ và đưa Bộ Ngoại giao về với vị trí truyền thống của nó ở trung tâm chính sách đối ngoại Mỹ.
Ông Pompeo đã tuyên bố sẽ giải quyết tình trạng thiếu nhân sự tại Bộ Ngoại giao ngay lập tức. Tuần trước, ông cũng nói với các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng ông hoan nghênh nhiều tài trợ hơn 30% ngân sách mà Nhà trắng đã đề xuất cho bộ.
Ông nói rằng ông Tillerson từng tuyên bố không biết phải làm gì với một đô la được thêm trong quỹ nhưng ông Pompeo “sẽ lấy một đô la thêm đó."
Ông Pompeo và ông Kim Jong Un gặp mặt hồi đầu tháng 4. Ảnh: Twitter.
Chỉ 20 phút sau khi ông Pompeo tuyên thệ, Bộ Ngoại giao thông báo tân Ngoại trưởng sẽ có chuyến thăm 4 ngày tới Brussels và Trung Đông. Ông sẽ đến gặp 28 bộ trưởng ngoại giao tại trụ sở NATO. Sau đó, tới Riyadh để gặp Nhà vua Saudi Salman, tới Israel gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Jordan để gặp Nhà vua Abdullah.
Heather Nauert, thứ trưởng ngoại giao, cho biết những địa điểm được chọn phản ánh “sự quan trọng của các khu vực này với tư cách là đồng minh và đối tác” của Mỹ.
Vào ngày 12/5, ông Pompeo sẽ phải tư vấn cho Trump về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt từng bị đình chỉ theo thỏa thuận Iran 2015, một quyết định quan trọng có thể dẫn đến việc Hoa Kỳ rút khỏi hiệp ước.
Ông Pompeo dự kiến đóng vai trò chủ đạo trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tháng 6 giữa Trump và Kim Triều Tiên, cuộc gặp có thể mở đường cho đàm phán phi hạt nhân hóa. Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Trump đã bí mật phái ông Pompeo đến gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng.