Viettel nhận danh hiệu “Anh hùng” và điều thần kỳ viễn thông di động

(ĐTCK) Trong số các doanh nghiệp Việt Nam, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) nằm trong số rất ít nhận được cả hai danh hiệu: Anh hùng lao động (2007) và Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (cuối năm 2013). Với danh hiệu Anh hùng lao động, nhiều doanh nghiệp có thành tích kinh doanh xuất sắc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho các hoạt động phát triển xã hội đã được trao.
Viettel nhận danh hiệu “Anh hùng” và điều thần kỳ viễn thông di động

Tuy nhiên, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân khá đặc thù bởi doanh nghiệp cần có những đóng góp đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc phòng an ninh của đất nước.

Trong khi đó, đạt các chỉ tiêu kinh doanh là mối quan tâm chiếm hầu hết thời gian và nguồn lực của các doanh nghiệp Việt Nam cho nên cơ hội để đóng góp cho quốc phòng an ninh với những thành tích đặc biệt là rất hiếm. Chỉ có các doanh nghiệp chuyên ngành của Quân đội có những nghiên cứu, dự án đặc biệt phục vụ trực tiếp quốc phòng an ninh mới có thể đạt được danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Viettel cũng là một doanh nghiệp của quân đội nhưng lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin. Chính vì thế, nếu chỉ tư duy theo cách thông thường, đặt mục tiêu doanh thu, số lượng thuê bao là tất cả thì Viettel có lẽ sẽ chỉ là một doanh nghiệp góp phần làm bùng nổ thị trường viễn thông Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với Tập đoàn từng tạo ra điều “thần kỳ” về viễn thông di động tại Việt Nam, tự tìm thêm thách thức ở những lĩnh vực có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước sẽ giúp họ phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Với các mạng di động nói chung, việc phủ sóng vùng biên giới và hải đảo sẽ vô cùng tốn kém và đem lại hiệu quả kinh tế không cao. Tuy nhiên, Tập đoàn viễn thông Quân đội quyết tâm bảo đảm sóng viễn thông phục vụ không chỉ phát triển kinh tế mà còn đáp ứng cả yêu cầu về an ninh, quốc phòng. Tập đoàn này đã trở thành nhà mạng di động duy nhất phủ sóng 100% đồn biên phòng và 100% các đảo ven bờ, các đảo thuộc vịnh Bắc Bộ, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, các điểm nhà dàn DK1.

“Mạng lưới truyền dẫn, các trạm BTS phải phủ đến cả những nơi khó khăn nhất về địa hình, cơ sở hạ tầng, chi phí xây dựng và vạn hành khai thác rất cao…. Có trạm BTS phục vụ riêng cho biên giới, hải đảo chỉ riêng chi phí xây dựng đã cao gấp hàng chục lần so với bình thường, nhưng cũng chỉ phục vụ thường xuyên vài chục thuê bao. Nhưng Viettel quyết tâm làm vì mạng lưới này càng rộng, càng bền vững thì khả năng làm chủ thông tin của quân đội ta càng lớn”, Trung tướng Hoàng Anh Xuân – Tổng giám đốc Viettel chia sẻ.

Chính nhờ một mạng lưới thông tin di động phủ khắp mọi nơi, Viettel là nhân tố góp phần đảm bảo thắng lợi nhiệm vụ chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và đã tiết kiệm cho nhà nước nguồn ngân sách đầu tư cho nhiệm vụ này. 

Không chỉ dừng lại ở đó, ban lãnh đạo của Tập đoàn này còn chủ động đề nghị với Bộ Quốc phòng nhận các nhiệm vụ vô cùng thách thức mà trước đó chưa có công ty nào ở Việt Nam làm được: sản xuất thiết bị thông tin quân sự.

Trung tướng Hoàng Anh Xuân chia sẻ: “Tôi từng là một cán bộ kỹ thuật, sau đó là giám đốc nhà máy thông tin M1. Tôi luôn ước mơ, khát khao sản xuất được máy thông tin quân sự, nhưng trước đây không có tiềm lực về tài chính, công nghệ và nhân sự trình độ chuyên môn cao, nên chưa làm được. Đến nay, khi Viettel đã phát triển lớn mạnh, trở thành một tập đoàn kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, có doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đôla, hội tụ những tiền đề quan trọng nên chúng tôi đã chủ động đề xuất và nhận nhiệm vụ vô cùng khó khăn này với Bộ Quốc phòng”.

Trước khi Viettel tham gia sản xuất thiết bị quân sự, phần lớn trang bị thông tin tại các đơn vị trong Quân đội thuộc công nghệ cũ, được Liên Xô, Trung Quốc sản xuất và viện trợ từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước. Các sản phẩm này được sử dụng trong chiến tranh chống Mỹ đã qua rất nhiều lần đại tu, sửa chữa, chất lượng đã xuống cấp nghiêm trọng, tính năng kỹ chiến thuật lạc hậu. Tuy nhiên, việc đầu tư mới khó khăn vì giá cao, thay thế chi tiết cũng rất phức tạp.

Sau ba năm tập trung mọi nguồn lực cho công tác nghiên cứu, thiết kế, đến hết năm 2013, Viettel đã chế tạo thành công tám loại máy thông tin quân sự, trong đó có những khí tài thông tin nhảy tần đáp ứng với điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Đặc biệt, Viettel đã tự lực nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống VQ và rada quản lý vùng trời cho quân chủng PK-KQ, có tính năng ưu việt và giá thành rẻ hơn so với khí tài nhập ngoại. Đây là lần đầu tiên trong ngành công nghiệp quốc phòng nước ta, Việt Nam đã từng bước sản xuất được trang thiết bị quân sự cho quân đội.

Nhận xét về những kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thiết bị thông tin quân sự của Viettel, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Trương Quang Khánh cho biết: “Chủ động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất được trang bị quân sự là một nhu cầu tất yếu, nhưng không phải nước nào cũng làm được. Việc Viettel tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công những sản phẩm thông tin quân sự giúp cho chúng ta chủ động trang bị cho Quân đội những thiết bị có tính năng chiến đấu, kỹ thuật phù hợp. Và đặc biệt, chúng ta có thể chủ động đối phó với chiến tranh công nghệ cao, với khả năng tác chiến mạnh”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh cho biết thêm “Điều hết sức quan trọng là trong điều kiện hiện nay, nếu phải đầu tư, nhập khẩu, phụ thuộc bên ngoài thì việc đảm bảo an ninh, an toàn sẽ rất khó thực hiện. Trong khi đó, chủ động nghiên cứu chế tạo (hay nói như Viettel: “Người Việt Nam thiết kế, chế tạo cho người Việt Nam”, những trang bị có tính năng  kỹ thuật phù hợp không thua kém gì của nước ngoài là phương hướng đúng đắn, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, khả năng của đội ngũ cán bộ cũng như  tầm nhìn của đội ngũ lãnh đạo Viettel, phù hợp với nhiệm vụ xây đựng và bảo vệ tổ quốc, với chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật quân sự trong giai đoạn hiện nay”.

Trên đây chưa phải là tất cả những đóng góp đặc biệt mà Viettel đã thực hiện trong công cuộc xây dựng và phát triển nền quốc phòng Việt Nam nhưng là những thành tích được ghi nhận, có hiệu quả rõ ràng. Cũng từ những kết quả này, cộng với nhiều thành tích khác trong việc đầu tư ra nước ngoài, tăng cường vị thế của quân đội Việt Nam, Viettel đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào cuối năm 2013.


Theo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục