Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do EU - Singapore

(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do EU - Singapore (EUSFTA) không chỉ cho phép hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp Singapore nhập về từ các nước thành viên ASEAN khác - bao gồm Việt Nam - cũng sẽ được xem là hàm lượng nội địa của Singapore, mà còn mở đường cho EU ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN khác.
Ảnh minh họa (Nguồn Shutterstock) Ảnh minh họa (Nguồn Shutterstock)

Tại  Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu tổ chức tuần qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do với Singapore (EUSFTA). Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa EU và 1 quốc gia thành viên ASEAN.

Theo hiệp định này, hàng hóa Singapore đạt chuẩn xuất khẩu vào EU sẽ được bãi bỏ dần theo lộ trình 5 năm, giúp các thiết bị điện tử, dược phẩm, hóa dầu và thực phẩm chế biến (trong số những nhóm hàng hưởng lợi chính).

Đặc biệt, EUSFTA cho phép một số hàng hóa sản xuất được áp dụng Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN. Điều này có nghĩa hàng hóa đầu vào của các doanh nghiệp Singapore nhập về từ các nước thành viên ASEAN khác - bao gồm Việt Nam - cũng sẽ được xem là hàm lượng nội địa của Singapore để xác định nguồn gốc của sản phẩm cuối cùng là Singapore. Nói cách khác, một số nguyên liệu đầu vào nhất định sẽ được hưởng chế độ thuế 0% của Singapore với châu Âu.

Nhận xét về cơ hội cho ASEAN sau khi Hiệp định EUSFTA được ký kết, ông Winfield Wong, Giám đốc Toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, cho biết, tỷ lệ sản phẩm của Singapore có các thành phần được sản xuất tại các nước ASEAN khác là rất lớn.

"Với quy tắc của “Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa ASEAN”, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Singapore được sản xuất theo chuỗi giá trị nội khối ASEAN có thể được hưởng lợi từ EUSFTA. Điều này tác động đáng kể đến Singapore và khu vực ASEAN bao gồm Việt Nam - trong các lĩnh vực như điện tử và dược phẩm", ông Wong đánh giá.

Theo HSBC, khối ASEAN là thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Singapore. Trong năm 2017, đảo quốc sư tử nhập khẩu 71,06 tỷ USD hàng hóa từ ASEAN.

Hiện tại, Singapore là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam trên toàn thế giới.

Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore chủ yếu gồm máy vi tính, hàng điện tử và phụ kiện, điện thoại và phụ kiện, thủy tinh và đồ thủy tinh, máy móc, thiết bị và phụ tùng, hàng dệt may và may mặc…

Singapore cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 của Việt Nam và là nhà đầu tư ASEAN hàng đầu, với khoản đầu tư tích lũy là 43 tỷ USD cho hơn 2.000 dự án.

Điện tử là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của ASEAN, trực tiếp sử dụng hơn 2,5 triệu nhân công.

Theo Ban Thư ký ASEAN, phần lớn các thiết bị điện tử tiêu dùng trên thế giới đến từ khu vực ASEAN, bao gồm 80% ổ cứng của thế giới được sản xuất ở các nước ASEAN. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia chiếm hơn 90% sản lượng xuất khẩu công nghiệp của ASEAN.

EUSFTA mở đường cho nhiều hiệp định thương mại giữa EU với các nước ASEAN khác

Không chỉ giúp hàng hóa ASEAN vào EU được hưởng ưu đãi thuế thông qua Singapore, EUSFTA còn tạo ra khuôn mẫu cho các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU với các thị trường ASEAN khác.

Hơn nữa, nếu EU ký kết thêm FTA với các quốc gia thành viên ASEAN khác, cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa của khu vực sẽ càng thuận lợi hơn trong các điều kiện cụ thể.

EU và Việt Nam đã nhất trí đối với văn bản cuối cùng của Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam và Hiệp định bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam vào tháng 7/2018.

Hiện tại, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN sau Singapore, với giá trị thương mại đạt 47,6 tỷ Euro vào năm 2017.

“Việc cho phép các nước ASEAN khác thực hiện Cơ chế chứng nhận xuất khẩu hàng hóa ASEAN sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại của toàn khu vực với châu Âu, từ đó mang đến một siêu chuỗi cung ứng mang tính khu vực”, ông Wong nhận định

EU tiếp tục đàm phán về FTA với Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia và đã ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản hiện đang chờ phê chuẩn.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục