Ứng dụng gọi xe Việt trỗi dậy

(ĐTCK) Sau khi Uber rút khỏi Việt Nam, đang có một cuộc đua mới trên lĩnh vực gọi xe công nghệ khi "cựu binh" Grab vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của các "tân binh" trong và ngoài nước như  Fastgo, Vato, T.Net, Xelo, Go-Jek…, hứa hẹn đem lại sự lột xác cho thị trường này. 
Nhiều công ty công nghệ trong nước như Fastgo, Vato, T.Net, Xelo... tham gia thị trường gọi xe, phá vỡ thế độc tôn của Grab. Nhiều công ty công nghệ trong nước như Fastgo, Vato, T.Net, Xelo... tham gia thị trường gọi xe, phá vỡ thế độc tôn của Grab.

Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang được đánh giá rất hấp dẫn, giá trị lên tới hàng tỷ USD, nhất là sau khi "ông lớn" Uber chính thức rút lui. Đây cũng là lý do khiến nhiều công ty công nghệ Việt như Vato, Fastgo, T.Net, Xelo... tham gia vào thị trường này nhằm chia lại miếng bánh thị phần, phá vỡ thế độc tôn của Grab.

Nhập cuộc mạnh mẽ nhất phải kể đến sự ra đời của Vato. Công ty Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD để phát triển ứng dụng này. Theo đó, 5.000 lái xe đã rời Uber để sang Vato làm việc. Tuy nhiên, Vato chưa bứt phá được như kỳ vọng.

Có mặt đầu tiên tại Hà Nội và Hưng Yên, ứng dụng gọi xe T.net của Đại học FPT tuyên bố giá cước sẽ rẻ hơn so với giá taxi truyền thống khoảng 20%. Song, T.net cũng chưa được nhiều người biết đến một phần do T.net chưa đẩy mạnh truyền thông.

Sau khi Uber ngừng hoạt động, những biểu hiện "ngôi sao" của Grab như tăng giá cước trong giờ cao điểm, khó gọi xe khi thời tiết không thuận lợi, lái xe có phần "chảnh" đối với khách đi chặng ngắn... đã khiến khách hàng tìm đến các ứng dụng gọi xe của người Việt, trong đó Fastgo, GoViet hay Xelo là các ứng dụng thu hút nhiều sự chú ý của khách hàng nhờ tính năng dễ sử dụng, có nhiều ưu đãi..., dù "sinh sau, đẻ muộn".

Theo ông Nguyễn Trường Giang, nhà sáng lập ứng dụng gọi xe Xelo, nếu các ứng dụng gọi xe công nghệ Việt được phát triển bài bản, có chế độ đãi ngộ tốt, hỗ trợ khách hàng tối đa... thì có thể cạnh tranh sòng phẳng với "ông lớn" Grab. 

Cạnh tranh bằng ưu đãi, hướng đến khách hàng và đối tác

Thực tế cho thấy, việc các ứng dụng gọi xe của người Việt dành được cảm tình của khách hàng trong nước, bên cạnh xu hướng "ta về ta tắm ao ta", đó còn là nỗ lực chiều lòng khách hàng.

Chẳng hạn, trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9, Fastgo và T.Net cùng giảm 20.000 đồng/chuyến đi cho khách hàng. Mừng gia nhập thị trường Đà Nẵng, Fastgo tặng cho khách hàng sử dụng ứng dụng 100.000 đồng/khách, giảm 80% (tối đa 30.000 đồng) với 5 chuyến đi cho khách hàng đặt xe...

Để thu hút đội ngũ lái xe, T.Net đưa ra chương trình thưởng như thưởng 50.000 đồng cho lái xe khi hoàn thành 5 chuyến đi, mức thưởng được nâng lên 100.000 đồng, 200.000 đồng khi lái xe hoàn thành tương ứng 15 và 20 chuyến đi...

 Trong 2 năm tới, Fastgo đặt mục tiêu có mặt tại 8 tỉnh, thành phố khác là Nha Trang, Bình Dương, Cần Thơ, Vinh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Hới và Phú Quốc

Tại Fastgo, với tổng số cuốc xe hoàn thành trong ngày là 10 cuốc xe, lái xe sẽ được thưởng 150.000 đồng, mức thưởng được nâng lên 250.000 đồng và 400.000 đồng nếu số cuốc hoàn thành tương ứng trong ngày là 15 và 20 cuốc xe...

Mới đây, Fastgo đã được một quỹ đầu tư của VinaCapital rót vốn, số tiền không được tiết lộ, nhưng theo giới thạo tin, giá trị vào khoảng 3 triệu USD.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO Công ty Fastgo Việt Nam cho biết, ngoài Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, trong 2 năm tới, Fastgo đặt mục tiêu có mặt tại 8 tỉnh, thành phố khác là Nha Trang, Bình Dương, Cần Thơ, Vinh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Hới và Phú Quốc, trong đó nhiều thị trường chưa có sự xuất hiện của Grab, cùng với đó là kế hoạch thu hút 20.000 lái xe và 5 triệu khách hàng.

Theo giới quan sát, một trong những ưu điểm của của Fastgo là không thu phí chiết khấu đối với tài xế lái xe theo tỷ lệ phần trăm, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày.

Để gia tăng sức hút, Fastgo còn có chương trình miễn phí dịch vụ trọn đời cho 500 đối tác đầu tiên và khách hàng sử dụng dịch vụ Fastgo sẽ được hưởng gói bảo hiểm Fast Protection trên mỗi chuyến đi, với mức bảo hiểm trị giá 200 triệu đồng/khách hàng.

Ngoài các ứng dụng gọi xe trong nước, trên thị trường gọi xe công nghệ còn có sự xuất hiện của các ứng dụng nước ngoài như Go-Jek của Indonesia và mới đây là MVL Foundation Pte.Ltd - một công ty công nghệ của Singapore vừa giới thiệu ứng dụng gọi xe tại TP.HCM, trong khi "vua gọi xe" đến từ Trung Quốc là Didi Chuxing đang chờ cơ quan quản lý của Việt Nam cấp phép hoạt động.

Theo nhận đình từ các chuyên gia, với sự bùng nổ của lĩnh vực gọi xe công nghệ hiện nay, ứng dụng có chiến lược truyền thông, chính sách chăm sóc đối tác và khách hàng tốt hơn sẽ giành lợi thế.

Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam đang thực sự sôi động, hứa hẹn nhiều tích cực và trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục