Từ Viglacera nhìn lại sự "chuyển mình" của doanh nghiệp Nhà nước

(ĐTCK) Trong bộ tài liệu gửi các cổ đông tham dự ĐHCĐ lần đầu tiên sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần hôm 2/7, Tổng công ty Viglacera đề cập đến kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm một cách rất chi tiết. Nếu không chuyển thành công ty đại chúng, không dễ gì nhà đầu tư có thể tiếp cận được với những con số cụ thể như vậy.
ĐHCĐ Tổng công ty Viglacera hôm 2/7 ĐHCĐ Tổng công ty Viglacera hôm 2/7

Cơ hội nhiều hơn thách thức

Tài liệu của Viglacera đề cập chi tiết từng lĩnh vực như lợi nhuận, doanh thu, giá trị sản lượng, các khoản mục và dự án đầu tư chủ yếu. Trong mỗi bảng có từng chỉ tiêu và dự kiến đạt được với công ty mẹ, từng công ty thành viên. Theo đó, 6 tháng cuối năm, toàn tổ hợp Viglacera dự kiến doanh thu đạt 2.096 tỷ đồng, cả năm ước thực hiện 4.182 tỷ đồng; lợi nhuận công ty mẹ dự kiến 155 tỷ đồng, lợi nhuận cả năm 270 tỷ đồng.

Sau khi cổ phần hóa, Công ty mẹ tiếp tục đầu tư phát triển ở 3 lĩnh vực trọng điểm: vật liệu xây dựng, bất động sản và lĩnh vực khác. Trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh bất động sản, Công ty mẹ sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm gồm: các khu đô thị Đặng Xá 2, Xuân Phương, khu nhà ở cao cấp Thăng Long Number One; Các dự án nhà thu nhập thấp tại Đặng Xá II, Tây Mỗ, Xuân Phương; các dự án KCN Yên Phong 1 và 2, Đông Mai, Hải Yên; các trạm cấp nước sạch và xử lý nước thải tại Yên Phong. Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, Công ty mẹ đầu tư phát triển dự án kính tiết kiệm năng lượng…

Theo ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT Viglacera, mô hình công ty cổ phần mang lại cho Viglacera nhiều cơ hội hơn là thách thức. Cùng với cổ phần hóa, cùng với việc triển khai đề án tái cơ cấu doanh nghiệp đã được Bộ Xây dựng phê duyệt, Viglacera tiếp tục thay đổi tổ chức quản lý điều hành và phương thức quản trị, mở rộng cơ hội tiếp cận với thị trường vốn và các hình thức huy động vốn đa dạng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty. 

Quá trình cổ phần hóa kết hợp với việc sắp xếp lại hệ thống quản lý sản xuất - thương mại trên các lĩnh vực hoạt động sẽ tạo ra sự chuyên môn hóa giữa quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm ra thị trường. Đây là cơ sở để Viglacera tăng trưởng, phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để có thể vươn ra các thị trường khu vực và thế giới.

Tại ĐHCĐ, HĐQT và Ban điều hành Tổng công ty đệ trình kế hoạch thưởng vượt chỉ tiêu, theo đánh giá của giới phân tích chứng khoán, là khá hợp lý. Cụ thể, doanh nghiệp hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận và mức chi cổ tức cho các cổ đông tối thiểu bằng mức lãi suất huy động tiền gửi cá nhân kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng Vietcombank + 3,5%, lãnh đạo Tổng công ty sẽ được thưởng, mức dự kiến từ 10 - 30% của lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch. Rõ ràng, đây sẽ là động lực để lãnh đạo doanh nghiệp “xắn tay áo” chỉ đạo điều hành.

Bớt đổi mới nửa vời

Viglacera là một ví dụ cho thấy, doanh nghiệp Nhà nước sau khi IPO đã buộc phải chuyển mình. Có nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã phải thay đổi sau khi được đại chúng hóa. Yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp công bố thông tin, trong đó có kết quả kinh doanh và lương thưởng cho nhân sự cấp cao góp phần minh bạch hóa sức khỏe doanh nghiệp. 

Nếu không có công chúng và giới báo chí đưa tin về việc doanh nghiệp liên tục lỗ nặng, mổ xẻ các nguyên nhân gây lỗ tại Tổng công ty Thép Việt Nam, chủ sở hữu Nhà nước là Bộ Công Thương khó mạnh tay thay đổi CEO của doanh nghiệp này hồi đầu năm nay và ban hành “mệnh lệnh thép” buộc doanh nghiệp phải hoạt động có lãi đối với HĐQT và Ban điều hành.

Tại Petrolimex, tình hình lãi lỗ trong hoạt động kinh doanh xăng dầu luôn là một ẩn số trước khi Tập đoàn này IPO. Nhờ yêu cầu bắt buộc công bố báo cáo tài chính năm 2012, dư luận mới biết Petrolimex liên tục kêu lỗ và đòi tăng giá xăng dầu nhưng cuối năm vẫn lãi gần 1.000 tỷ đồng. Tình hình tương tự năm 2013.

Báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp các địa phương và trung ương đều cho thấy, đa số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa. Hiện còn nhiều doanh nghiệp kinh doanh thuần túy mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn, đồng thời có nhiều DN mà Nhà nước có thể giảm tỷ lệ sở hữu… 

Giới quan sát cho rằng, quyết định mới đây của Thủ tướng Chính phủ quy định từng lĩnh vực ngành nghề và tỷ lệ Nhà nước sở hữu vốn là cơ sở để nhanh chóng xóa bỏ tình trạng đại chúng hóa nửa vời ở nhiều doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp Nhà nước phải chuyển mình.

Theo mục tiêu Chính phủ đề ra, sau năm 2015, cả nước chỉ còn 692 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được tổ chức thành 44 tập đoàn, tổng công ty với 150 công ty con 100% vốn, 387 doanh nghiệp độc lập thuộc địa phương, 111 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ.

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục