Truyền thông ở đâu trong hệ sinh thái quản trị doanh nghiệp?

(ĐTCK) Trong nền kinh tế phát triển như thoi đưa, doanh nghiệp đang đối mặt với 2 thay đổi lớn trong khu vực cũng như toàn cầu - cuộc cách mạng kỹ thuật số và sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng. Phương tiện truyền thông là công cụ mạnh mẽ với nguồn dữ liệu dồi dào, kịp thời và cung cấp cái nhìn sâu sắc trong tương tác và phát triển của các doanh nghiệp.
Các ấn phẩm của Báo Đầu tư luôn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về các khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam Các ấn phẩm của Báo Đầu tư luôn cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về các khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam

Cá nhân tôi ủng hộ mạnh mẽ Báo Đầu tư, Vietnam Investment Review (bản tiếng Anh) và Báo Đầu tư Chứng khoán (bản tiếng Việt) khi đã trở thành những ấn phẩm tiên phong của Việt Nam trong việc cung cấp những thông tin toàn diện và kịp thời về các khía cạnh của nền kinh tế. Các báo cũng hoạt động như một kênh truyền thông đáng tin cậy trong hệ thống sinh thái quản trị doanh nghiệp.

Với tầm quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển và nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tầm quan trọng của việc lựa chọn phương tiện truyền thông là rất lớn.

Tầm quan trọng của phương tiện truyền thông có thể được mô tả trong 3 khía cạnh, đó là nhấn mạnh công bố thông tin và tính minh bạch, cơ chế bảo hộ để bảo vệ nhà đầu tư và gia tăng trách nhiệm giải trình do sự chú ý của công chúng 

Nhấn mạnh công bố thông tin và tính minh bạch

Các nguyên tắc quốc tế yêu cầu doanh nghiệp công khai các chính sách và hoạt động quản trị trên các phương tiện truyền thông.

Chẳng hạn, Nguyên tắc Quản trị công ty G20/OECD đề cập rằng: “Khuôn khổ quản trị doanh nghiệp phải đảm bảo việc công bố thông tin kịp thời và chính xác về mọi vấn đề quan trọng liên quan đến doanh nghiệp, bao gồm tình hình tài chính, tình hình hoạt động, sở hữu và quản trị doanh nghiệp”.

Thông tin thường được công bố công khai ít nhất là mỗi năm một lần. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần công bố thông tin trên mức quy định để đáp ứng nhu cầu thị trường.

ThS.Nguyễn Mai Hương 

Đầu tháng 9 vừa qua, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chính thức công bố Bộ tiêu chí đánh giá công bố thông tin và minh bạch về quản trị công ty 2017. Ngoài việc dựa trên khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp từ Luật Doanh nghiệp (68/2014/QH13) và các thông tư, Bộ tiêu chí cũng tham khảo từ Nguyên tắc Quản trị công ty G20/OECD và các khuyến nghị trong Nghị định 71/NĐ-CP.

Bộ tiêu chí bao quát 4 lĩnh vực, đó là Quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản, Đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty, Minh bạch và công bố thông tin và Trách nhiệm của Hội đồng quản trị.

Bộ tiêu chí ra đời như một động lực để thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp và quan trọng hơn là nhấn mạnh vào công tác công bố thông tin và tính minh bạch của doanh nghiệp.

Cơ chế bảo hộ để bảo vệ nhà đầu tư

Cơ chế điều chỉnh quan trọng nhất đối với việc quản trị sai là báo chí và áp lực báo chí được xem là “nặng ký” hơn bất kỳ thách thức pháp lý nào. Sự hiện diện của hoạt động báo chí là cơ chế để công bố những sai trái của các doanh nghiệp và điều phối phản ứng của các nhà đầu tư khác nhằm tận dụng các biện pháp bảo vệ pháp lý tiềm năng.

Chẳng hạn, tại Hồng Kông, cơ quan quan lý sở tại sử dụng phương tiện truyền thông như là một hình phạt. Theo đó, thay vì quảng cáo, không gian này được dùng để thông báo cho công chúng về các vi phạm của doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư có xu hướng cung cấp thông tin cho báo chí, trong đó phải kể đến 2 tờ báo uy tín là Hong Kong Economic Times hay South China Morning Post, khi họ thấy doanh nghiệp có những hoạt động kinh doanh không đúng, hay yếu kém trong hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR).

The Business Times là ấn phẩm hàng đầu về tài chính của Singapore và Đông Nam Á, cung cấp cho độc giả những trải nghiệm về kinh doanh và phát triển kinh tế tại Singapore nói riêng và châu Á nói chung, cũng như các xu thế toàn cầu tác động đến các doanh nghiệp trong khu vực.

Tờ báo này có một nhóm chuyên gia về quản trị doanh nghiệp, thường xuyên đưa ra ý kiến đóng góp cho các doanh nghiệp. Chức năng "Tìm kiếm" của nó cho phép độc giả lọc các bài viết từ cùng một chuyên gia hay một tiêu chí cụ thể. Chỉ cần gõ từ khóa “quản trị doanh nghiệp (corporate governance)” hay tên một chuyên gia là độc giả có thể có những thông tin sâu về vấn đề quan tâm.

Đơn cử, Chuyên gia Mak Yuen Teen, Giáo sư Trường Đại học Quốc gia Singapore thường đóng góp những bài viết mang tính thách thức đối với doanh nghiệp qua The Business Times. Năm 2016 chứng kiến sự chao đảo của SingPost bắt nguồn từ bài báo của vị giáo sư này viết trên The Business Times nói về việc doanh nghiệp này không giải đáp câu hỏi của nhà đầu tư trong họp thường niên. Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Singapore cũng sử dụng The Business Times như một kênh giao tiếp, trao đổi, giải đáp khúc mắc, hay “tự vệ” cho bản thân.

Ở Việt Nam, Báo Đầu tư Chứng khoán đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc vinh danh các doanh nghiệp kinh doanh chuẩn mực, mà cả việc đưa các thông tin minh bạch và kịp thời về những vấn nạn doanh nghiệp mắc phải để bảo vệ nhà đầu tư.

Gần đây nhất là câu chuyện về đại án Oceanbank với thông tin chuyên sâu được phân tích kỹ lưỡng về bức tranh chi lãi ngoài, cũng như các vấn đề nổi cộm liên quan đến doanh nghiệp này, giúp thị trường và các bên liên quan có cái nhìn sâu sắc và tổng quan.

Những thông tin như xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh việc làm sai trái của doanh nghiệp và thúc đẩy các doanh nghiệp khác nhìn nhận và chú ý hơn.

Gia tăng trách nhiệm giải trình do sự chú ý của công chúng

Tính sẵn có của dữ liệu và thông tin thực tiễn về doanh nghiệp trên báo chí gây áp lực buộc doanh nghiệp hành động như một “công dân có trách nhiệm”.

Sự gia tăng trách nhiệm giải trình của Hội đồng quản trị doanh nghiệp tới cổ đông, nhà đầu tư và các bên có quyền lợi liên quan (công nhân, người tiêu dùng, nhà cung cấp) trong thời đại thông tin, có nghĩa là doanh nghiệp phải chứng minh rằng họ tuân thủ quy tắc và quy định, thực hiện các hoạt động có trách nhiệm và bảo vệ lòng tin của các bên. Các vấn đề như quản trị doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh luôn là những tin nóng gây sự chú ý của công chúng.

Một nghiên cứu về vai trò của phương tiện truyền thông trong quản trị doanh nghiệp xuất bản trên Diễn đàn Trường Luật Harvard cho thấy, mức độ quan tâm của giới truyền thông và văn phong sử dụng đóng vai trò rất quan trọng trong quyết định của các nhà quản lý. Kết quả cũng cho biết, các nhà quản lý luôn cố gắng "lắng nghe thị trường".

Nói cách khác, sự chú ý của công chúng làm tăng trách nhiệm giải trình của Hội đồng quản trị doanh nghiệp đối với cổ đông, nhà đầu tư và các bên có quyền lợi liên quan, và điều đó có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của họ.

Nhìn nhận chủ quan

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp, tôi cho rằng, vai trò của phương tiện truyền thông là vô cùng quan trọng. Nhiều doanh nghiệp không chủ động cung cấp thông tin cho cổ đông, nhà đầu tư, và chính lẽ đó đôi khi dẫn đến những tin đồn trên thị trường.

Để tìm hiểu rõ về doanh nghiệp, ngoài báo cáo thường niên và các báo cáo tài chính hàng quý, thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông sẽ giúp các nhà nghiên cứu thị trường, nhà đầu tư có cái nhìn và nhận xét đúng đắn về doanh nghiệp.

Hơn thế nữa, trong truyền thông về quản trị doanh nghiệp, việc vinh danh các doanh nghiệp “nói là làm” là cần thiết, song việc phê bình và thách thức những doanh nghiệp “hứa suông” còn quan trọng hơn. Báo chí nên đẩy mạnh hơn ở cả 2 góc độ này để từ đó có dấu ấn rõ nét hơn trong "hệ sinh thái" quản trị của các doanh nghiệp.

ThS.Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Nghiên cứu Quản trị công ty, định chế và tổ chức Đại học Quốc gia Singapore

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục