Truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber: Cục thuế TPHCM lúng túng, xin lãnh đạo “cứu viện“

Lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho hay, hiện Uber không còn tồn tại ở Việt Nam, nên không thể thực hiện truy thu khoản thuế 53,3 tỷ đồng của doanh nghiệp này.
Lãnh đạo cơ quan thuế thừa nhận khó truy thu khoản nợ thuế của Uber. Lãnh đạo cơ quan thuế thừa nhận khó truy thu khoản nợ thuế của Uber.

Liên quan đến khoản truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng cục Thuế diễn ra sáng nay (20/7), Cục trưởng Cục thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm cho hay, Toà án hiện đang thụ lý vụ việc nhưng khả năng khó có thể thu hồi khoản nợ thuế này.

"Một vấn đề lúng túng xin Tổng cục Thuế hỗ trợ là quản lý thu thuế Uber. Hiện Uber không còn tồn tại ở Việt Nam, nên không thể thực hiện thu thuế được. Tòa án thì đang thụ lý nhưng cũng không biết lúc nào thì xử lý", ông Năm cho biết.

Uber B.V đã chính thức rút khỏi Việt Nam từ hôm 8/4 vừa qua. Hiện Cục Thuế TPHCM đang không thể cưỡng chế truy thu 53,3 tỷ đồng thuế của Uber B.V vì đang bị doanh nghiệp này kiện ra tòa.

Ngay cả trong trường hợp Tòa tuyên Cục Thuế TPHCM thắng kiện thì cơ quan thuế cũng khó mà truy thu thuế của Uber B.V bởi doanh nghiệp này không có tài khoản ngân hàng cũng như văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Trao đổi với Dân trí trước đó, ông Đặng Duy Khanh - Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế cho biết, nghĩa vụ thuế ở đây sẽ thực hiện theo quy định của Luật Dân sự.

"Nếu khi Uber bán cho Grab mà có thoả thuận Grab phải chịu trách nhiệm và nghĩa vụ về thuế luôn thì Grab sẽ phải nộp thay Uber. Còn nếu không có thoả thuận thì lại khác. Tuy nhiên, ở đây, cần phải xem xét lại các điều khoản trong hợp đồng thoả thuận giữa Uber - Grab", ông Khanh cho biết.

Dù vậy, lãnh đạo cơ quan thuế cũng khẳng định: "Ở đây mình vẫn phải "nắm thằng có tóc" là Grab thôi bởi nghĩa vụ thuế với Nhà nước thì kiểu gì cũng phải thực hiện".

Cũng về vấn đề này, trao đổi với báo chí bên lề họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh: “Các nghĩa vụ của các doanh nghiệp mà sáp nhập thì các doanh nghiệp mới phải thừa kế, lãnh trách nhiệm đó”.

Theo Thứ trưởng, liên quan tới nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TPHCM này, Cục Thuế TPHCM và Tổng cục Thuế đã nhiều lần có văn bản “đòi nợ”, thậm chí có biện pháp mạnh mà Uber vẫn không trả.

Tuy nhiên, phía Grab thẳng thừng khẳng định, Grab không liên quan đến khoản tiền mà Cục thuế TPHCM đang truy thu Uber.

"Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của Uber, và hoàn toàn không liên quan đến Grab. Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam - đơn vị phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi xin phép không đưa ra thêm bất kỳ bình luận gì liên quan đến vấn đề này", đại diện Grab cho biết.

Phía Grab cũng nói thêm rằng: "Mọi thắc mắc liên quan đến nghĩa vụ thuế của Uber, xin vui lòng liên lạc với Giám đốc Chính sách và Truyền thông Uber châu Á - Thái Bình Dương".

Nợ thuế không có khả năng thu hồi lên gần 34.000 tỷ đồng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, tiền nợ thuế không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,… đã lên tới 33.992 tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2017.

Theo Phó Tổng cục trưởng, số nợ thuế không có khả năng thu hồi trên cũng bao gồm khoản nợ của người nộp thuế liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh.

Tiền thuế nợ có khả năng thu theo báo cáo là 46.143 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thời điểm 31/12/2017.

Như vậy, hiện tổng số nợ thuế của toàn ngành ước tới 30/6 là hơn 80.000 tỷ đồng, tăng 6.990 tỷ đồng (9,6%) so với cuối năm ngoái.


Theo Dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục