Thị trường nước sạch hút vốn tư nhân

(ĐTCK) Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư mạnh vào lĩnh vực sản xuất nước sạch để khai thác thị trường hấp dẫn này.
Thị trường nước sạch hút vốn tư nhân

Doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào nước sạch

Chính thức bước chân vào thị trường nước sạch từ năm 2017, CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) đang đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tư nhân số 1 về cung cấp nước sạch tại Việt Nam. DNP là công ty tư nhân đầu tiên được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cung cấp khoản vay hơn 24 triệu USD để đầu tư vào ngành này.

Tổng công suất thiết kế của DNP đã đạt 1 triệu m3 nước/ngày đêm từ năm 2018, hệ thống mạng lưới cấp nước do Công ty sở hữu chi phối hoặc sở hữu tỷ lệ lớn cổ phần trải dài trên 11 địa phương. Riêng năm 2018, các đơn vị thành viên DNP đã triển khai song song hai dự án nhà máy nước có tổng công suất 160.000 m3/ngày đêm tại Bắc Giang và Long An, hai tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp mạnh mẽ trong thời gian tới. Kết quả doanh thu mảng nước sạch năm 2018 đạt 313 tỷ đồng, tăng 172% so với năm 2017.

Năm ngoái, DNP Water đã tăng vốn điều lệ lên 1.780 tỷ đồng, dự án nhà máy nước sạch DNP Bắc Giang hoàn thành và đi vào vận hành. Công ty tiếp nhận thêm ba đơn vị thành viên, gồm Công ty Nước sạch 3 Hà Nội, Công ty Cấp thoát nước Bình Thuận và Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh.

Trong cơ cấu tổng doanh thu của DNP, tỷ trọng đóng góp của mảng nước sạch đã tăng từ 8% năm 2017 lên 15% vào năm 2018. DNP ghi nhận tổng doanh thu 2018 đạt 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 12 tỷ đồng.

Bên cạnh DNP, nhiều năm qua, CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) đã đầu tư vào 7 công ty sản xuất nước sạch, chủ yếu phục vụ cho khu vực TP.HCM. Mới đây, REE chào mua công khai gần 5,5 triệu cổ phiếu KHW để tăng tỷ lệ sở hữu từ 24,85% lên 45,85% vốn điều lệ của CTCP Cấp thoát nước Khánh Hòa, tiếp tục tham gia sâu hơn vào mảng nước.

Tiềm năng thị trường còn lớn

Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.

Hiện có nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài đang đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử,  CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman (liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia của Oman và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước) đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu phục vụ cho địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang. Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2017. Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) thông qua việc mua cổ phần của CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) đầu tư gián tiếp vào ngành nước sạch Việt Nam…

Theo Báo cáo môi trường quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị tại Việt Nam, nhưng ở một số khu vực đã và đang xảy ra hiện tượng ô nhiễm, với thông số kim loại nặng như chì, asen, mangan vượt quy chuẩn…

Tuy nhiên, công nghệ, năng lực, quy trình xử lý nước sạch của nhiều cơ sở cung cấp nước còn hạn chế, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước ngầm, cung cấp nước sạch cho sản xuất và sinh hoạt đang là đòi hỏi từ thực tiễn.

Lĩnh vực này đang cần nguồn lực đầu tư rất lớn, đặc biệt là khu vực tư nhân. Một dự báo từ năm 2017 cho thấy, trong vòng 5 năm (2017 -20122), nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này lên tới 10 tỷ USD.   

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sơn Hà cho biết, trong định hình về tương lai, Sơn Hà sẽ trở thành nhà sản xuất năng lượng tái tạo và nước sạch, xử lý nước thải.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch CTCP Nhựa Đồng Nai Vũ Đình Độ cho biết, Công ty đang đứng trước các cơ hội rộng mở nhờ nhu cầu trong ngành nhựa và nước sạch tăng trưởng tốt và xu hướng chuyển dịch thói quen tiêu dùng hướng tới các sản phẩm chất lượng cao.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục