Thị trường bán lẻ Việt: Thêm tên tuổi, thêm cạnh tranh

(ĐTCK) Thị trường bán lẻ Việt Nam vừa chứng kiến cuộc đổ bộ của tập đoàn bán lẻ đến từ Mỹ - ACE Hardware, khiến cạnh tranh càng thêm “nóng”.
ACE Hardware sẽ mở 10 cửa hàng trong 3 năm tới tại TP.HCM. ACE Hardware sẽ mở 10 cửa hàng trong 3 năm tới tại TP.HCM.

ACE Hardware đã lựa chọn TP.HCM để bước vào thị trường Việt Nam với cửa hàng rộng 2.500 m2, bày bán hơn 10.000 sản phẩm, bao gồm đồ gia đình, nội thất, dụng cụ và công cụ ngoài trời.

ACE Hardware có trụ sở tại Illinois (Mỹ), được thành lập năm 1931, có hơn 5.200 cửa hàng tại gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, ACE Hardware do CTCP Vina Home Shop nhận nhượng quyền, cũng như phát triển kinh doanh.

Đại diện công ty này cho biết sẽ mở 10 cửa hàng ACE trong 3 năm tới tại TP.HCM và mục tiêu nâng lên 20-40 cửa hàng trong 10 năm. Các cửa hàng mở mới sẽ theo 3 mô hình là đại siêu thị diện tích khoảng 100 m2 và cửa hàng đồ gia dụng tiện lợi diện tích từ 300-500 m2.

Việt Nam là thị trường đông dân thứ 3 tại Đông Nam Á, với mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực, đạt trung bình khoảng 6,5%/năm, tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng nhanh khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa cũng ở mức cao, tỷ lệ tăng trưởng của tổng thị trường bán lẻ khoảng 10%/năm.

Đây chính là lý do khiến các nhà bán lẻ ngoại ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là các nhà bán lẻ đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Một báo cáo của Bộ Công Thương tính toán, trung bình cần 1-3 cửa hàng bán lẻ cho 1.000 người dân, nhưng hiện Việt Nam mới có hơn 7.000 cửa hàng bán lẻ hiện đại phục vụ hơn 90 triệu dân, tức quy mô tăng trưởng vẫn còn rất lớn.

Theo Vietnam Report, ngành bán lẻ trong nước đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng. Tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trong giai đoạn 2013-2018 là 10,97%.

Tổng doanh thu bán lẻ dự kiến đạt 180 tỷ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng 26,6%/năm từ năm 2018. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo, chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam sẽ tăng trung bình 10,5%/năm đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.

Tiềm năng thị trường lớn, song sự trỗi dậy mạnh mẽ của các kênh bán lẻ kỹ thuật số và thương mại điện tử là điều đáng lưu tâm đối với kênh bán lẻ truyền thống thời gian tới.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, ngành bán lẻ tại Việt Nam không mang lại “quả ngọt” cho cho tất cả, bởi thực thế là có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã phải rút lui như Metro, Auchan, Shop & Go… vì không hiểu thị trường địa phương hay không thể chịu đựng các khoản lỗ kéo dài.

Thực tế, cạnh tranh khốc liệt là vấn đề mà các doanh nghiệp bán lẻ đang phải đối mặt. Để cải thiện sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo nhằm kích cầu thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng để có thêm dư địa tăng trưởng.

Đơn cử, tại CTCP Thế giới di động (MWG), bên cạnh điện thoại, điện máy, doanh nghiệp này đang mở rộng ra lĩnh vực thực phẩm, đồ tiêu dùng với hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh và mới đây nhất là lĩnh vực đồng hồ.

Tương tự, ngoài các thiết bị số, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã lấn sân sang mảng dược phẩm và vừa bán thêm mặt hàng thời trang (kính mắt).

Cùng với mở rộng mặt hàng, tối ưu hóa các chi phí và điểm bán đang được các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và chi phí đầu vào gia tăng.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các  nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp bán lẻ muốn mở rộng thị trường thì cần nắm bắt được tâm lý khách hàng, am hiểu thói quen người tiêu dùng, hay nói cách khác là phải địa phương hóa, cá nhân hóa các sản phẩm, dịch vụ.

Đây cũng là xu hướng từ các thị trường bán lẻ tiên tiến trên thế giới. Hiện nay, Saigon Co.op, Vinmart, Hapro, Satra… đang áp dụng xu hướng này.

Dự kiến trong năm 2020, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục chiến lược phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ trên cả nước. Sự kết hợp giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và các kênh tiêu dùng truyền thống đã dần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục