Taxi muốn được quản lý như Grab có được không?

Theo ông Nguyễn Công Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: Bản chất của xe ô tô vận chuyển hành khách thông qua phần mềm của Grab là giống với xe taxi. Nhưng hiện nay, cơ quan quản lý vẫn chưa định danh rõ thế nào là xe Grab. 

Ông Hùng phân tích: "Grab họ nói họ chỉ là đơn vị kinh doanh công nghệ, phần mềm kết nối chứ không phải taxi hay đơn vị kinh doanh vận tải, trong khi Grab điều hành giá, tung ra các khuyến mại, tổ chức chuyến đi... chẳng khác gì đơn vị taxi truyền thống. Còn cơ quan quản lý lại xếp dạng vận tải hành khách này vào loại hình xe hợp đồng điện tử. Do đó, chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ xe Grab".

"Grab hiện nay đang hưởng 28,6% doanh thu của các lái xe (đối tác), mà chỉ phải đóng 3% thuế thu nhập doanh nghiệp. Grab chỉ đứng ở giữa hưởng lợi, họ đóng bảo hiểm cho lái xe, không quản lý xe, không phải chịu 13 điều kiện kinh doanh như xe taxi, xe chạy Grab chỉ phải đăng kiểm 1 năm 1 lần, còn xe taxi cứ 6 tháng phải đăng kiểm 1 lần... Đơn vị kinh doanh taxi phải nộp 30% các loại thuế (10% thuế xuất VAT, 20% thuế thu nhập doanh nghiệp).

Hiện nay, các đơn vị taxi đều ứng dụng công nghệ, thì thử hỏi xe taxi muốn được quản lý như Grab có được không?" - ông Hùng nói thêm.

Cần định danh rõ 5 loại hình vận tải

Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có công văn gửi tới "Các thành viên Chính phủ" để đóng góp ý kiến về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó có việc cần định danh, định nghĩa 5 loại hình vận tải.

Theo đó, tại công văn số 20/HHVT-TV/KN ngày 6/3/2019 do ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ký gửi đến "Các thành viên Chính phủ" đóng góp 5 ý kiến liên quan đến góp ý dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô.

Công văn của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam. 

Trong đó có ý kiến cần định danh, định nghĩa rõ 5 loại hình vận tải (xe buýt, xe khách tuyến cố định, xe du lịch, xe hợp đồng và xe taxi): 

Đối với xe buýt: Định nghĩa về xe buýt tại khoản 5, Điều 3 dự thảo là không đúng bản chất xe  buýt, vì định nghĩa này xe buýt gồm: Xe buýt nội tỉnh, xe buýt liên tỉnh và xe buýt chuyên trách. Trong đó: Xe buýt liên tỉnh bản chất giống xe khách tuyến cố định. Tiêu chuẩn xe buýt là chỗ ngồi và chỗ đứng, do vậy, xe buýt liên tỉnh chạy quãng đường dài hoặc trên cao tốc sẽ tạo nguy cơ mất an toàn và không phù hợp với thực tế (hành khách không thể đứng được cả quãng đường dài hàng trăm kilomet).

Xe buýt chuyên trách bản chất là xe hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh, vì vậy định nghĩa xe buýt chuyên trách là không phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, thực tế hoạt động xe buýt trong thời gian qua tại các địa phương duy trì tốt và không phát sinh những bất cập. Để hoạt động xe buýt được ổn định, đồng thời đáp ứng và phù hợp với thực tế của các địa phương, đề nghị giữ nguyên theo khoản 1, khoản 2, khoản 5 Điều 5 và Điều 16 Nghị định số 86 và định nghĩa lại về loại hình xe buýt cho đúng bản chất.

Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam muốn cơ quan chức năng định danh, định nghĩa rõ 5 loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi. 

Đối với xe hợp đồng: Tại ý kiến góp ý của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng có nêu "Về bản chất, xe hợp đồng được các cá nhân, tổ chức,  cơ quan thuê theo 1 hợp đồng nguyên xe, nguyên chuyến, chuyến đi dài hoặc có thời gian dài. Kích cỡ xe được lựa chọn trên cơ sở phù hợp với số người được vận chuyển. Tuy nhiên, khái niệm tại khoản 7 Điều 3 dự thảo chỉ xác định dấu hiệu nhận biết loại hình này trên cơ sở có hợp đồng văn bản giấy hoặc hợp đồng điện tử.

Do đó, căn cứ trên khái niệm này các đơn vị vận tải có thể gom khách lẻ hoặc khách nhóm để vận chuyển theo hợp đồng nhằm lách luật dùng xe hợp đồng chạy chuyên tuyến cố định, nhằm giảm thiểu các chi phí tuân thủ quy định như: chi phí thuê bến bãi, trả lương nhân viên phục vụ, bộ phận theo dõi an toàn giao thông,...cũng như những trách nhiệm pháp luật khác liên quan tới xe chạy tuyến cố định. Việc này còn dẫn tới những hệ lụy như phá vỡ quy hoạch vận tải, dừng đỗ bừa bãi,  gây rối loạn, ách tắc giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn".

Dự thảo lần này cơ quan soạn thảo vẫn chưa tiếp thu triệt để ý kiến của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vẫn tồn tại nhiều bất cập, bất bình đẳng giữa loại hình xe hợp đồng và các loại hình khác, chưa thể hiện đúng bản chất của loại hình kinh doanh hành khách bằng xe ô tô. Vì đối tượng đối với loại hợp đồng này đều là vận chuyển hành khách, hành lý khi có hậu quả xảy ra thì tác động xã hội giống nhau, tuy nhiên điều kiện kinh doanh lại khác nhau là không phù hợp với thực tế, đây chính là lỗ hổng pháp lý để xe hợp đồng vi phạm, trá hình sang các loại hình vận tải khác như taxi, xe tuyến cố định để trốn tránh quyền và nghĩa vụ của mình trong hoạt động vận tải. 

Vừa qua, hai phương án mà Bộ GTVT và Vụ Công nghiệp đưa ra để lấy ý kiến thành viên Chính phủ để chưa đúng bản chất của loại hình kinh doanh vận tải này, vì vậy cần có phương án đúng với bản chất taxi là taxi, xe hợp đồng là xe hợp đồng nói riêng. Ngoài ra, cần phân biệt rõ 5 loại hình vận tải mới đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các loại hình, và lấy ý kiến lại các thành viên Chính phủ, làm được điều này sẽ chấm dứt những bất cập đang tồn tại.

Nay đề nghị định nghĩa lại về loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng cho chặt chẽ và bổ sung các điều kiện kinh doanh để đảm bảo bình đẳng với các loại hình vận tải khác.

Đối với xe taxi: Bản chất của xe taxi là chuyến ngắn, nhiều chuyến trong ngày, hoạt động chủ yếu ở đô thị. Do vậy, cần phải định nghĩa taxi như sau: "Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái) để vận chuyển hành khách; hoạt động chủ yếu ở đô thị; phục vụ chủ yếu các chuyến ngắn; hoạt động nhiều chuyến trong ngày; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm  ứng dụng để đặt xe, tính cước chuyến và kết nối với hành khách thông qua phương tiện điện tử".


dantri.com.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục