Tăng sức mạnh từ bên trong doanh nghiệp

(ĐTCK) 2018 là năm đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng đối với các hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam, hứa hẹn sự phát triển, hoàn thiện về cơ chế cũng như thực hành về quản trị công ty trong giai đoạn tới, từ đó giúp gia tăng sức mạnh từ bên trong của cộng đồng doanh nghiệp. 
Tăng sức mạnh từ bên trong doanh nghiệp

Sự kiện đáng chú ý nhất là lễ ra mắt của Viện Thành viên hội đồng quản trị (VIOD) vào đầu tháng 4/2018. Lần đầu tiên ở Việt Nam có một tổ chức hoạt động theo mô hình IOD (Institute of Directors) nhằm khuyến khích, nâng cao thực hành về quản trị công ty theo thông lệ quốc tế tại Việt Nam.

 Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc, Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD).

Sự ra đời của VIOD hứa hẹn nhiều điểm tích cực cho các sự kiện và sáng kiến liên quan đến quản trị công ty trong các năm tiếp theo, bao gồm các hoạt động về truyền thông, xây dựng quy định, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về quản trị công ty.

Năm 2018 cũng là năm đầu tiên, Ban tổ chức Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết (trước đây là Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất) tiến hành đánh giá chuyên sâu và trao giải thưởng về quản trị công ty cho các công ty niêm yết thuộc bộ chỉ số VN-All Share.

Nếu như trong các năm trước, quản trị công ty chỉ là một trong số các tiêu chí để vinh danh các công ty có báo cáo thường niên được lập tốt nhất thì năm nay, Ban tổ chức đã đưa quản trị công ty thành một hạng mục trao giải và đánh giá riêng biệt.

Theo đó, các công ty được đánh giá tốt về quản trị công ty được vinh danh theo 3 nhóm tùy thuộc vào mức vốn hóa thị trường là: các công ty có mức vốn hóa lớn (Large Cap), các công ty có mức vốn hóa trung bình (Medium Cap) và  các công ty có mức vốn hóa nhỏ (Small Cap). Giải thưởng năm nay có sự rà soát của 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (Deloitte, Ernst & Young, KPMG và Deloitte).

Ban tổ chức cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2018 đã đưa ra báo cáo đánh giá quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam 2018.

Tháng 12 vừa qua, sự kiện thường niên về quản trị công ty đã diễn ra tại TP.HCM. Sự kiện năm nay được đồng tổ chức bởi VIOD và Sáng kiến Quản trị công ty Việt Nam (Vietnam Corporate Governance Innitiative, VCGI) với chủ đề “Quản trị hướng tới phát triển bền vững”, thu hút hơn 100 thành viên hội đồng quản trị, thành viên trong ban giám đốc của các tổ chức trong nước và nước ngoài. Đây là nơi để các bên liên quan trao đổi và chia sẻ các xu hướng mới, các kinh nghiệm thực tiễn về quản trị công ty.

Thẻ điểm quản trị công ty ASEAN 2017 - 2018 (ACGS) đã được hoàn thành. Theo đó, 3 công ty Việt Nam có kết quả tốt nhất trong số các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá đã được mời tham dự lễ trao giải tại Malaysia bao gồm: Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), Công ty Dược Hậu Giang (DHG), Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Thẻ điểm ACGS được bắt đầu khởi xướng từ 2010 với sự hỗ trợ của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Diễn đàn Quản trị công ty toàn cầu (GCGF). Việt Nam tham gia thẻ điểm ACGS từ năm 2012 cho đến nay với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và IFC.

Việc Việt Nam tham gia vào ACGS cho thấy vị trí của chúng ta so với các nước trong khu vực để các doanh nghiệp cũng như các nhà lập pháp có các bước đi đúng đắn để đảm bảo phát triển các thông lệ quản trị công ty tốt nhất.

Nếu như ACGS chỉ tập trung vào các công ty niêm yết thì nghiên cứu về quản trị công ty Việt Nam do VCGI và VIOD tiến hành dựa trên nền tảng là kết quả và phương pháp luận của ACGS đã chỉ ra một bức tranh tổng thể về hoạt động quản trị công ty ở Việt Nam đối với cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước và các ngân hàng thương mại. Tháng 12/2018, bản tóm tắt của báo cáo quản trị công ty Việt Nam đã được xuất bản.

Trong báo cáo đánh giá quản trị công ty các doanh nghiệp niêm yết năm 2018, mặc dù không áp dụng toàn bộ các câu hỏi như đánh giá của ACGS, điểm tối đa của các doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt 75 điểm (trên tổng số tối đa 104 điểm).

Theo ACGS, mặc dù có tiến bộ qua từng năm, nhưng điểm trung bình về quản trị công ty của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Singapore (xem biểu đồ).

Điểm trung bình các quốc gia qua các năm. 

Với đà phát triển của các sự kiện và sáng kiến về quản trị công ty năm 2018, tôi tin rằng năm 2019 là năm sẽ có nhiều thay đổi lớn tác động tới các hoạt động quản trị công ty của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Năm 2019, các loại thẻ điểm sẽ tiếp tục là căn cứ để các doanh nghiệp xác định, đo lường chất lượng hoạt động quản trị công ty. Cuộc bình chọn báo cáo thường niên sẽ tiếp tục là một trong các thước đo về công tác quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2019.

Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2014 đã đưa ra mô hình ủy ban kiểm toán nội bộ (thực chất là ủy ban kiểm toán - audit committee theo thông lệ quốc tế), tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp áp dụng mô hình này ở Việt Nam chưa nhiều.

Tính đến hết năm 2018, mới chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp áp dụng theo mô hình này. Tôi tin rằng, năm 2019 là một năm chứng kiến sự ra đời nhiều hơn nữa của các ủy ban kiểm toán để giúp hội đồng quản trị quản lý các vấn đề liên quan đến kiểm soát nội bộ, kiểm toán độc lập, báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ.

Trong năm 2019, dự kiến sẽ thông qua các nội dung sửa đổi của hai bộ luật ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản trị công ty là các sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Chứng khoán. Các doanh nghiệp cần theo dõi các sửa đổi này và điều chỉnh cho phù hợp.

Sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào tháng 9/2018 hứa hẹn sẽ có các cải cách sâu rộng hơn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước. Trong năm 2019, chúng ta hãy chờ đợi các hành động tích cực của “siêu ủy ban” đối với các hoạt động quản trị công ty tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước.

Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc, Viện Thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục