Tài nguyên hàng không

Việc ông chủ AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu châu Á đến từ Malaysia vừa tuyên bố rút lui khỏi thị trường hàng không Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng nhà đầu tư trong và ngoài nước.
AirAsia quyết định rút lui khỏi thị trường hàng không Việt Nam. AirAsia quyết định rút lui khỏi thị trường hàng không Việt Nam.

AirAsia tất nhiên vẫn duy trì, thậm chí còn hiện diện đậm nét trong vai trò là nhà vận chuyển với gần 20 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ... với nhiều thành phố lớn trong khu vực ASEAN. AirAsia đơn giản chỉ từ bỏ tham vọng theo đuổi 13 năm qua là thâm nhập thị trường hàng không Việt với tư cách là nhà đầu tư tham gia thành lập hãng hàng không. AirAsia cho biết, quyết định rút lui là do không chọn được đối tác phù hợp và thị trường hàng không Việt Nam sắp trở nên chật chội hơn. 

Song, quyết định rút lui của AirAsia được đưa ra ít ngày sau khi Nghị định số 89/2019/NĐ - CP, ngày 15/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ - CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng (Nghị định 89) và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung được ban hành.

Nhiều người cho rằng, đây mới là nguyên nhân quan trọng hàng đầu.

Được biết, Nghị định 89 chỉ có 4 điều, nhưng lại điều chỉnh khá nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không - hai lĩnh vực đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Đáng chú nhất, là Nghị định số 89 quy định doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng 3 điều kiện: nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ (quy định trước là 30%); phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất; trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Đây là tỷ lệ góp vốn được cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá là để bảo đảm hài hòa giữa việc hút vốn đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trong nước, nhưng chắc chắn khó thỏa mãn mong muốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có AirAsia khi họ thậm chí còn không hội đủ lượng cổ phần để có quyền phủ quyết những quyết định quan trọng của Hội đồng Quản trị.

Cần phải nói thêm rằng, trong quá trình xây dựng Nghị định 89, việc điều chỉnh tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49% hay chỉ 34% từng diễn ra sự tranh luận lớn giữa chính các hãng hàng không nước.

Một số hãng cho rằng, cần nới tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% giúp việc huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài một cách thuận lợi hơn để mở rộng đội bay, nhưng phần lớn các hãng hàng không khác lại cho rằng, nếu nhà đầu tư nước ngoài nắm từ 36% cổ phần trở lên có thể sử dụng quyền phủ quyết đối với các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, gây khó khăn cho hoạt động điều hành trong các hãng hàng không Việt Nam cũng như trong việc chấp hành chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước trong các tình huống liên quan đến an ninh quốc gia. Hơn thế, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường hàng không nội địa khi các nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp ngoại được nắm tới 49% vốn điều lệ dễ dẫn tới việc thành lập các hãng hàng không chỉ để nhằm mục đích bán cổ phần nhằm thu lợi.

Việc AirAsia dừng kế hoạch đầu tư tại thị trường Việt Nam, trên thực tế, không làm thị trường hàng không bớt tính cạnh tranh và sôi động. Với 5 hãng bay tại thời điểm hiện tại và dự kiến tăng lên 8 hãng vào giữa năm 2020, người dân đang có nhiều sự lựa chọn với chi phí đi lại hợp lý.

Cần phải nói thêm rằng, với dân số gần 100 triệu dân, kinh tế đang trong giai đoạn phát triển, thị trường hàng không Việt Nam cần phải coi là một lợi thế, tài nguyên quan trọng quốc gia. Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng đang theo đuổi nhất quán chính sách này.

Tuy vậy, trong xu thế toàn cầu hóa, các hãng hàng không trong nước cũng cần sớm tận dụng tốt lợi thế thị trường trong nước để vươn lên đủ sức giữ thị phần nội địa trước khi có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn hàng không thế giới tại thị trường quốc tế, thậm chí “mang chuông đi đánh xứ người”. Đây cũng là đích đến chung của cả các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp hàng không trong định hướng phát triển ngành hàng không Việt Nam giai đoạn 5 - 10 năm tới.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục