Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế

(ĐTCK) LTS: Kể từ khi TTCK tập trung đi vào hoạt động, các nhà quản lý thị trường luôn nỗ lực hướng DN đến sự minh bạch và giúp DN quản trị công ty tốt hơn.
Thời gian tổ chức ĐHCĐ của DN có thể được gia hạn nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính Thời gian tổ chức ĐHCĐ của DN có thể được gia hạn nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính

Quản trị công ty đã được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật và thường xuyên được hoàn thiện, hướng tới thông lệ quốc tế, đặc biệt là Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.

Bên cạnh đó, năm 2010, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) xuất bản cuốn “Cẩm nang quản trị công ty tại Việt Nam”.

Đến nay, hoạt động quản trị công ty của các DN đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Thực tế cho thấy, một số trường hợp, ban lãnh đạo DN chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật, hoặc cố tình làm sai để đạt được mục đích riêng. Với mong muốn nâng cao hiểu biết về quản trị công ty của các thành viên tham gia thị trường, Báo ĐTCK xây dựng chuyên mục Quản trị công ty, trong đó đưa ra những tình huống cụ thể đã xảy ra trong thực tế, kèm theo ý kiến phân tích của các chuyên gia, luật sư.

Hy vọng, chuyên mục sẽ đem đến cho DN cũng như các cổ đông, nhà đầu tư những kinh nghiệm thực tế để áp dụng. Ban biên tập cũng mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp đối với chuyên mục này.

Trường hợp 1: Đại hội lần 1 hay lần 2?

Cuối tháng 3/2014, một công ty niêm yết trên Sở GDCK công bố thông tin về việc tổ chức ĐHCĐ thường niên vào thời điểm cuối tháng 4/2014. Theo danh sách cổ đông có quyền tham dự đại hội, HĐQT đã gửi thư mời tham dự đại hội cho các cổ đông và yêu cầu đăng ký dự họp.

Giữa tháng 4/2014, HĐQT gửi công văn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK về việc gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ. HĐQT trình bày với lý do một nhóm cổ đông nắm giữ trên 35% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết thông báo không thể tham dự cuộc họp vào thời điểm cuối tháng 4/2014.

Theo thông báo gia hạn thời gian tổ chức ĐHCĐ, HĐQT sẽ triệu tập họp ĐHCĐ lần 2 và thông báo cổ đông sau khi HĐQT xem xét lại ngày và địa điểm tổ chức đại hội.

Một nhóm cổ đông khác, nắm giữ khoảng 17% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết bày tỏ nghi ngờ về sự hiện hữu của danh sách nhóm cổ đông không tham dự ĐHCĐ nên đã gửi văn bản yêu cầu được xem danh sách nhóm cổ đông này, đồng thời lưu ý HĐQT phải có được sự chấp thuận đối với việc gia hạn tổ chức ĐHCĐ của Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp được sự chấp thuận gia hạn tổ chức đại hội, nhóm cổ đông sở hữu 17% cổ phần cho rằng, việc tổ chức đại hội này vẫn được xem là lần thứ nhất, chứ không phải lần thứ hai như theo thông báo của HĐQT. Về vấn đề này, HĐQT có văn bản trả lời rằng, HĐQT đã nhận được chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc gia hạn tổ chức ĐHCĐ, đồng thời HĐQT từ chối cung cấp danh sách nhóm cổ đông không tham dự đại hội theo yêu cầu nêu trên.

Trước đó, nhóm cổ đông sở hữu 17% cổ phần nhiều lần đặt nghi vấn trong các quyết định của HĐQT và gửi văn bản yêu cầu công ty làm rõ các vấn đề có liên quan. Nhóm cổ đông này đã gây áp lực, nếu các vấn đề cần làm rõ không được minh bạch, họ sẽ không biểu quyết thông qua các nội dung trình bày tại ĐHCĐ.

Câu hỏi đặt ra là, việc gia hạn tổ chức ĐHCĐ thường niên như trên có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Đại hội được triệu tập sau khi gia hạn được xem là triệu tập lần thứ bao nhiêu và điều này có ý nghĩa như thế nào?

"Quyết định gia hạn tổ chức ĐHCĐ là hợp lý"

TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty Việt Nam

Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế ảnh 1
Trong câu chuyện trên, việc HĐQT quyết định gia hạn tổ chức ĐHCĐ là hợp lý vì HĐQT đã nhận được thông báo không tham dự được của nhóm cổ đông lớn sở hữu trên 35% số cổ phần. Công ty nên gia hạn để đảm bảo tổ chức thành công đại hội và tiết kiệm chi phí không cần thiết cho công ty và cho cổ đông.

ĐHCĐ tổ chức lần tiếp theo vẫn được xem là lần 1 vì công ty vẫn chưa tổ chức đại hội lần thứ nhất và chưa có bằng chứng là Ban kiểm tra tư cách đại biểu tham dự đại hội xác nhận số cổ đông tham dự đại hội chưa đạt tỷ lệ yêu cầu. Do vậy, để đại hội lần gia hạn tổ chức thành công, cần có sự có mặt của cổ đông đại diện tối thiểu 65% tỷ lệ sở hữu.

Về việc nhóm cổ đông sở hữu 17% yêu cầu cung cấp danh sách nhóm cổ đông không tham dự ĐHCĐ: mặc dù các quy định luật pháp không yêu cầu HĐQT phải cung cấp bằng chứng cụ thể và danh tính cổ đông thông báo không tham dự, nhưng HĐQT có thể đáp ứng yêu cầu của nhóm cổ đông sở hữu 17% bằng cách cung cấp danh sách cổ đông có quyền tham dự đại hội cho cổ đông kiểm tra theo như quy định trong Luật Doanh nghiệp (Điều 98.3-“Cổ đông có quyền kiểm tra, tra cứu, trích lục và sao danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ; yêu cầu sửa đổi những thông tin sai lệch hoặc bổ sung những thông tin cần thiết về mình trong danh sách cổ đông có quyền dự họp ĐHCĐ”), để đảm bảo tinh thần hợp tác với cổ đông và minh bạch thông tin.

Việc tra cứu danh sách này cũng có thể cho phép nhóm cổ đông sở hữu 17% có thêm thông tin giúp tự nhận diện nhóm cổ đông không tham dự đại hội.

"Sau khi gia hạn, ĐHCĐ vẫn được xem là tổ chức lần đầu"

Bà Vũ Thu Hằng, Luật sư Điều hành HPLaw

Theo quy định tại Điều 97.2 Luật Doanh nghiệp, ĐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn thời gian tổ chức đại hội, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, trong trường hợp trên, HĐQT đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp khi gửi công văn đề nghị gia hạn việc tổ chức đại hội đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cụ thể là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Việc ĐHCĐ được triệu tập lần thứ nhất, hoặc lần thứ hai, thứ ba phụ thuộc vào điều kiện tiến hành họp đại hội. Theo quy định tại Điều 102 Luật Doanh nghiệp, ĐHCĐ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, ĐHCĐ sẽ được tổ chức lần thứ hai với điều kiện có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành, ĐHCĐ sẽ được triệu tập lần thứ ba và được tiến hành không phụ thuộc vào số cổ đông dự họp cũng như tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Số cổ đông dự họp và tỷ lệ số cổ phần có quyền biểu quyết của các cổ đông dự họp sẽ là yếu tố quyết định đến việc thông qua nghị quyết của ĐHCĐ. Tùy vào nội dung biểu quyết mà tỷ lệ biểu quyết để thông qua các nội dung tại đại hội có thể là 65%, hoặc 75% tổng số cổ phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp.

Điều này có nghĩa là khi cổ đông dự họp giảm xuống thì tỷ lệ thông qua nghị quyết cũng giảm theo. Lưu ý, tỷ lệ cụ thể được quy định trong điều lệ của công ty.

Đối với việc triệu tập và tiến hành ĐHCĐ, chúng ta có thể thấy quan điểm khác nhau giữa HĐQT và nhóm cổ đông sở hữu 17%.

Áp dụng Luật Doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng, ĐHCĐ trong trường hợp nêu trên, sau khi được gia hạn, vẫn được xem là ĐHCĐ thường niên lần thứ nhất, bởi đại hội vẫn chưa được tổ chức tại thời điểm cuối tháng 4/2014 như đã được thông báo nên không thể biết được số lượng cổ đông tham dự có đạt tỷ lệ 65% cổ phần có quyền biểu quyết hay không.

ĐHCĐ chỉ được xem là triệu tập lần thứ hai khi đại hội đã được tổ chức lần thứ nhất, nhưng không đạt đủ tỷ lệ số cổ đông tham dự đại diện ít nhất 65% số cổ phần có quyền biểu quyết. Vì vậy, HĐQT cần cân nhắc quy định này để đại hội được tiến hành đúng thủ tục.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục