Phát triển điện mặt trời: Đấu thầu không phải “cây đũa thần”

(ĐTCK) Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về giá điện mặt trời áp dụng sau ngày 1/7/2019, các dự án mới thuộc lĩnh vực này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai.
Phát triển điện mặt trời: Đấu thầu không phải “cây đũa thần”

Hai hình thức đấu thầu

Chính phủ thực hiện phương án đấu thầu để xác định giá bán và sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2019, tiếp sau Quyết định 11. Giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 cần tuân thủ một số nguyên tắc như: Chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định đối với các dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện và đang thi công, đưa vào vận hành trong năm sau.

Các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối với hợp Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thống nhất cơ chế đấu thầu phát triển điện mặt trời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12/2019.

Tại Hội thảo “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam - Từ chính sách tới thực tiễn”, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, Bộ Công thương được giao triển khai quá trình chuẩn bị cho việc tiến hành đấu thầu các dự án điện mặt trời.

Sau khi cơ chế giá FiT (giá điện hỗ trợ) kết thúc, Bộ sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi kể từ năm 2021. Từ nay cho tới năm 2021, sẽ tổ chức đấu thầu thí điểm.

“Bộ Công thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu cơ chế đầu thầu các dự án điện mặt trời.

Theo đó, sẽ có 2 phương án: Đấu thầu theo trạm biến áp (đấu thầu các dự án xung quanh các trạm biến áp còn đủ dung lượng tải), hoặc giải phóng mặt bằng sạch và mời nhà đầu tư tham gia đấu thầu thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án điện mặt trời”, ông Quân cho biết.

Đấu giá các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo, mặc dù có một số khó khăn trong việc thực hiện, đã trở thành một công cụ chính sách phổ biến trong những năm gần đây. Số lượng các quốc gia áp dụng đấu giá năng lượng tái tạo đã tăng từ 9 trong năm 2009 lên 48 quốc gia trong năm 2018.

Không phải “cây đũa thần”

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, do các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào chậm, sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện trong giai đoạn 2020 - 2025.

Với ưu điểm thời gian xây dựng rất nhanh, chỉ cần 4 - 6 tháng có thể hoàn thành dự án điện mặt trời công suất 50 - 100 MW, việc phát triển các dự án điện mặt trời là giải pháp khả thi để đảm bảo cung cấp đủ điện cho giai đoạn 2020 - 2025.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, nhiều ý kiến lo ngại, việc chuyển sang hình thức đấu thầu sẽ kéo dài thời gian thực hiện các dự án điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung, bởi theo kinh nghiệm quốc tế, công tác đấu thầu cần thời gian thực hiện khoảng hơn 2 năm, trong khi khả năng thiếu điện đã cận kề.

Bà Hyunjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng, Ban Năng lượng, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, việc lựa chọn phương án đấu thầu không phải cây đũa thần mang tới phép màu.

Thay vào đó, chuẩn bị mới là công đoạn quan trọng nhất để đảm bảo tính minh bạch của quy trình, cũng như chất lượng các dự án, giúp điện mặt trời và ngành năng lượng tái tạo có bước phát triển bền vững.

Theo kinh nghiệm quốc tế, việc áp dụng hình thức đấu thầu giúp nâng cao sức cạnh tranh, từ đó đưa giá điện mặt trời giảm đáng kể so với mức giá mua ưu đãi.

Tuy nhiên, điều này chỉ có được nếu cơ quan chức năng của Chính phủ có sự chuẩn bị chu đáo về khung pháp lý, quy trình, hợp đồng đấu thầu… Hiện tại, ADB đang phối hợp với Bộ Công thương chuẩn bị cho dự án thí điểm đầu tiên.

Cùng chung quan điểm, ông Oliver Behrend, chuyên gia đầu tư cao cấp, Bộ phận Cơ sở hạ tầng, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, không nên quá ám ảnh về vấn đề đấu thầu, bởi nhiều dự án đấu thầu thành công, nhưng kết quả không như kỳ vọng. Cần áp dụng quy chế này với một loạt quy trình rà soát từ trước để đảm bảo hiệu quả.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Năm 2019, Tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỷ KWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỷ KWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ KWh.

Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt.

Trịnh Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục