“Ông lớn” mạng xã hội nước ngoài: Thu lợi lớn, né trách nhiệm

Thu lợi nhuận lớn, nhưng không chịu đóng thuế, không hợp tác để gỡ bỏ thông tin sai, các mạng xã hội như Facebook, Google cần phải sớm chịu sự quản lý, điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.
“Ông lớn” mạng xã hội nước ngoài: Thu lợi lớn, né trách nhiệm

Thu lợi lớn, né nghĩa vụ

Bạn đang cùng bạn bè ngồi cà phê nói về một món ăn nào đó, hay một địa điểm để cuối tuần đi chơi. Chỉ sau vài phút, Facebook có thể chọn lọc và hiển thị những cửa hàng đang bán những sản phẩm mà bạn thảo luận cùng bạn bè.

Bạn like hoặc bình luận một bộ quần áo, món đồ chơi, lọ nước hoa bán trên một fanpage, chỉ vài phút sau, Facebook của bạn đã hiện lên hàng loạt trang bán hàng, gợi ý mua các món hàng cùng loại.

Cách phổ biến nhất là dùng cookies để theo dõi người dùng, ngoài ra, Facebook còn tận dụng triệt để các hình thức khác có thể theo dõi bạn như đọc tin nhắn Messenger, ghi âm micro, đọc các hoạt động của bạn trong Group, Fanpage... Từ đó sẽ “định hình” những sở thích, quan tâm của bạn và bán những thông tin này cho các nhà quảng cáo. 

Như vậy, Facebook biết rõ các thông tin cá nhân của người dùng nhiều hơn vợ, chồng hay người yêu của họ. 

Đó là bằng chứng hùng hồn nhất về việc Facebook thu thập thông tin cá nhân của người dùng để bán cho các doanh nghiệp. Đã có hơn 562.000 tài khoản Facebook của người Việt bị thu thập dữ liệu cá nhân trong vụ bê bối Cambridge Anatalyca hồi tháng 4/2018. Một tài khoản Facebook có thể mang lại cho Facebook 5 USD/năm, nếu bạn thường xuyên xem video, doanh thu của Facebook còn cao hơn nữa.

Tại Việt Nam, số lượng tài khoản sử dụng Facebook, Google đã đạt hơn 100 triệu, trong đó, Facebook đạt khoảng 70 triệu và Google đạt gần 40 triệu tài khoản.

Theo Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, các mạng xã hội nước ngoài sang làm giàu, hưởng nhiều lợi ích ở Việt Nam, nhưng chưa tuân thủ pháp luật, chưa đóng thuế đầy đủ, chưa thực hiện các yêu cầu an ninh mạng của Việt Nam. Tình trạng này đã kéo dài và không thể để tiếp tục tồn tại.

Điển hình là việc Facebook, Google bất hợp tác, lừng khừng trong việc gỡ bỏ các tài khoản vi phạm, bôi nhọ, xuyên tạc, vi phạm sở hữu trí tuệ đối với cá nhân, tổ chức khác.

Facebook hiện đã đặt 80 văn phòng đại diện ở các quốc gia, vùng lãnh thổ, còn Google có 70 văn phòng đại diện. Riêng khu vực Đông Nam Á, Facebook, Google mở văn phòng đại diện tại Singapore, Indonesia, Malaysia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Facebook, Google cùng nhất quyết không đặt văn phòng đại diện, không thành lập pháp nhân để né tránh việc đóng thuế và tuân thủ sự quản lý của Việt Nam.

Quản bằng cách nào?

Để đưa Facebook, Google vào khuôn khổ, chịu sự quản lý và điều chỉnh của pháp luật Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, chúng ta phải dùng các biện pháp kinh tế hoặc kỹ thuật để quản lý mạng xã hội. .

Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng trong đó, quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam như VCCorp/Admicro,VNExpress/Eclick,24H,Zing/Adtima... chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD    

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng, có thể đọc, phân tích, đánh giá, phân loại 100 triệu tin mỗi ngày. Qua đó có thể lọc, phân tích các thông tin độc hại, bôi nhọ, phản động để xử phạt nặng những người tung tin. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ vẫn phải được Google, Facebook “gật đầu”.

Chính vì vậy, Luật An ninh mạng đã yêu cầu các mạng xã hội xuyên biên giới phải đặt máy chủ, mở văn phòng đại diện tại Việt Nam là để gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nhiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Mặt khác, quy định này cũng đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này, xóa bỏ sự bất bình đẳng, thậm chí là “bảo hộ ngược”, giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Yury Namestnikov, Chủ nhiệm bộ phận Nghiên cứu và Phân tích toàn cầu của Hãng bảo mật Kaspersky, các quốc gia có thể quản lý mạng xã hội bằng việc ban hành các đạo luật chống giả mạo thông tin như Malaysia đã làm, hoặc một số quốc gia đã bắt đầu xem xét mạng xã hội với vai trò như là một cơ quan báo chí và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước đó.

Một giải pháp khác cũng vừa được Bộ Tài chính đề xuất là quản lý chống thất thu thuế. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới phải thanh toán qua cổng thanh toán nội địa để cơ quan thuế có cơ sở kiểm soát doanh thu của các dịch vụ này, từ đó đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế. 

Các công ty vận hành mạng nước ngoài tại Việt Nam cần thiết lập đầu mối như mở văn phòng đại diện chính thức để phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính đề nghị nhà cung cấp nước ngoài khai báo, nộp thuế nhà thầu đối với các dịch vụ mà tổ chức nước ngoài có cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Biện pháp này đã được các nước châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục