Nhà đầu tư nước ngoài: “Luôn đồng hành với Việt Nam”

(ĐTCK) Tiếp tục chia sẻ và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sau các sự cố tại Bình Dương, Đồng Nai, cuối tuần qua, tại TP. HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức cuộc gặp gỡ với đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại khu vực phía Nam.
Một nhà máy ở Bình Dương bị đập phá trong sự cố vừa qua Một nhà máy ở Bình Dương bị đập phá trong sự cố vừa qua

Thông tin mới nhất từ Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan tại Bình Dương, ông Hứa Ngọc Lâm cho biết, dù tỉnh Bình Dương đã thành lập 1 đơn vị chuyên trách nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn sau vụ việc vừa qua và các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhưng kẹt một nỗi, những văn bản hướng dẫn giải quyết khó khăn này toàn bằng tiếng Việt trong khi các quản lý doanh nghiệp người Đài Loan chỉ biết tiếng Hoa. Ngoài ra, các vấn đề về chi trả tiền lương trong những ngày diễn ra sự việc biểu tình cũng chưa rõ ràng, các doanh nghiệp không hiểu phải chi trả lương cơ bản hay toàn bộ lương của nhân viên. Ông Lâm cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, cần có giải pháp sớm.

“Chúng tôi biết các cơ quan chức năng và tỉnh Bình Dương đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình hình, nhưng hy vọng sẽ có những biện pháp chi tiết hơn để giúp những doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề ở Bình Dương nhanh chóng khôi phục sản xuất”, ông Lâm kiến nghị và nói rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu các bên hợp tác cùng giải quyết nhanh chóng sự việc thì Việt Nam vẫn hấp dẫn các doanh nghiệp Đài Loan.

Đồng tình với ý kiến của ông Lâm, một số đại diện doanh nghiệp Đài Loan ở Việt Nam bày tỏ, trả tiền lương cho công nhân là vấn đề cần phải giải quyết gấp. Vị đại diện này kiến nghị, nên có phương án chi trả tiền lương cho các doanh nghiệp có mức độ chịu tổn thất khác nhau.

“Mỗi doanh nghiệp ở trong một tình huống khác nhau, nên phải có những cách ứng xử khác nhau”, vị đại diện trên chia sẻ.

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản, thiệt hại trong sự việc vừa qua đối với các doanh nghiệp Nhật Bản không quá lớn, tổng thiệt hại chỉ khoảng 400 triệu đồng, nhưng các doanh nghiệp bị thiệt hại cũng đang băn khoăn về vấn đề thanh toán tiền lương cho nhân viên.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Trung Quốc thì yêu cầu các cơ quan chức năng hối thúc các công ty bảo hiểm tiến hành giám định và bồi thường nhanh chóng. Ngoài việc thành lập một ban chuyên ngành để giải quyết những vấn đề này thì cơ quan chức năng cũng nên quy định cả thời gian để xử lý và có phản hồi cụ thể.

Cùng bày tỏ cảm kích trước những phản ứng rất nhanh của Chính phủ Việt Nam sau vụ việc, nhưng đại diện các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Ý, Pháp kiến nghị, các cơ quan chức năng cũng cần lường trước và có giải pháp với những tác động dây chuyền sau vụ việc này.

“Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với Việt Nam, nhất là trong thời điểm khó khăn này. Chúng tôi mong hậu quả của việc này sẽ nhanh chóng được giải quyết và cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra biện pháp phòng ngừa những sự việc tương tự trong tương lai”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam phát biểu.

Chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp sau vụ việc vừa qua, ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP. HCM nói rằng,  tiền lương là vấn đề nhạy cảm, hiện các cơ quan chức năng đang xin ý kiến của Chính phủ để có những hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp và người lao động.

“Đối với doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nhất sẽ có những phương án riêng cho từng doanh nghiệp, ngoài những quy định chung”, ông Hà cho biết.

Theo ông Lê Văn Phụng, đại diện Bộ Tài chính, Bộ vừa có công văn hướng dẫn cụ thể hơn các vấn đề về miễn giảm thuế và sẽ chuyển tới tay doanh nghiệp trong thời gian nay mai.

Về vấn đề an ninh cho các doanh nghiệp, theo Đại tá Hồ Văn Mười - đại diện Tổng cục An ninh 2 - Bộ Công an, cơ quan an ninh đang khẩn trương tập trung điều tra và đưa ra xét xử những tội phạm lợi dụng tình hình này để gây rối và nỗ lực thu hồi tài sản đã mất của doanh nghiệp.

“Trong thời gian tới, cơ quan an ninh sẽ có những kế hoạch chi tiết để phòng ngừa và khi có sự cố xảy ra sẽ kịp thời ngăn chặn nhằm đảm bảo an toàn cho tất cả doanh nghiệp”, ông Mười khẳng định.

Thấu hiểu những mất mát khó khăn của doanh nghiệp, đại diện cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương, ông Trần Văn Nam nói rằng, có thể lòng tin phần nào giảm sút, nhưng lúc này không nên đổ lỗi cho nhau mà cần bắt tay vào xử lý, khắc phục. Chính quyền không chỉ nói mà sẽ làm thật tốt, từ những việc nhỏ nhất, để các doanh nghiệp tiếp tục đến Việt Nam đầu tư.              

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục