Nghẽn với chi phí logistics

Chi phí logistics (dịch vụ hậu cần) tại Việt Nam hiện ở mức rất cao trong chi phí kinh doanh, khi chiếm tới 18% GDP, với khoảng 40 tỷ USD. Thậm chí, mức tính toán này của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế có chi phí phí logistics cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh Việt Nam được xem là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu, là một trong những điểm đến của dòng vốn đầu tư nước ngoài, có yếu tố địa lợi thuận cho phát triển ngành dịch vụ logistics song cần cải thiện mạnh năng lực cạnh tranh xuất khẩu, thì chi phí logistics quá cao và kéo dài là điều khó chấp nhận với kinh tế trong nước.

Nghẽn với chi phí logistics ảnh 1

 Thứ hạng của Việt Nam theo Chỉ số Năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 (năm 2014) xuống 64 vào năm 2016

Các xu hướng toàn cầu đã cho thấy, lợi ích có được từ tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể lớn hơn nhiều so với lợi ích từ giảm thuế quan, nhất là khi mức thuế quan hiện đã khá thấp ở phần lớn các lĩnh vực và sẽ còn giảm trong bối cảnh các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đang dần chi phối hoạt động thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải thiện kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics, nhưng thứ hạng của Việt Nam theo Chỉ số Năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 (năm 2014) xuống 64 vào năm 2016.

Sự sụt giảm này cho thấy, các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Chi phí logistics cao không những trực tiếp làm giảm hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà còn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế vốn đang không dư dả bởi chưa tối đa hóa được tiềm năng của dịch vụ logistics.

Nhưng, suốt cả năm nay, những khuyến nghị cắt giảm thủ tục trong thông quan, nhất là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách dường như vẫn ở trên giấy.

Đó là các kiến nghị rà soát, giảm chi phí cầu, đường, nhất là phí BOT; giảm ách tắc ở các cảng biển, cảng hàng không như cảng Cát Lái, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất… để giảm chi phí xăng dầu, tăng quay vòng đầu xe. Đó là kiến nghị rà soát, giảm chi phí và giảm tắc đường đến cảng Cái Mép, Thị Vải (Vũng Tàu), kiến nghị đưa vào sử dụng các đoàn tàu chở hàng hóa, nhất là hàng xuất khẩu qua đường bộ sang Trung Quốc, kiến nghị phát triển vận tải thủy nội địa…

Những khuyến nghị cắt giảm thủ tục trong thông quan, nhất là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, của các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách dường như vẫn ở trên giấy.
Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 tiếp tục nhắc lại những đề xuất rất cụ thể nói trên. Đặc biệt, cơ hội để đầu tư tư nhân tham gia vào hạ tầng logistics, bao gồm cả đường bộ và các loại hình vận tải đa phương thức khác, đã được nhắc tới thông qua đề xuất xây dựng Luật về PPP…

Phải nói thêm rằng, tạo thuận lợi thương mại là nhằm tăng cường hiệu quả của chuỗi cung ứng, giảm chi phí, gánh nặng thủ tục và các điểm nghẽn đối với doanh nghiệp. Những bước tiến gần đây về cải cách hải quan của Việt Nam là rất đáng khích lệ, nhưng chưa thể tạo đột phá trong nỗ lực tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, nhất là trong lĩnh vực logistic.

Chi phí logistic cùng những vướng mắc trong lĩnh vực này chỉ giảm một khi hoạt động cải cách của các cơ quan quản lý chuyên ngành được đẩy nhanh hơn, thủ tục kiểm tra cũng như các điều kiện kinh doanh của ngành dịch vụ này được cắt giảm mạnh hơn.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục