Ngành hàng không dự báo tiếp tục sôi động trong 2020

(ĐTCK) Trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 15,8 %/năm. Năm 2020, thị trường này dự báo sẽ sôi động hơn với sự nhập cuộc của các hãng hàng không mới.
Ngành hàng không dự báo tiếp tục sôi động trong 2020

Tiềm năng lớn, thách thức cũng nhiều

Việt Nam có hơn 94 triệu dân, nhưng hiện mới có 200 tàu bay được đưa vào khai thác tại 22 sân bay trên cả nước, điều này cho thấy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân là rất lớn.

Ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, hiện nay, các hãng hàng không đang chuẩn bị cho vận tải khách dịp Tết bởi đây là thời điểm nhu cầu đi lại tăng đột biến và hàng không có thể giải quyết bài toán này nhanh nhất, với số lượng hành khách vận chuyển lớn nhất.

“Tính theo đầu người, gần 1 triệu dân thì mới có 2 tàu bay, so với Thái Lan, Malaysia…, tỷ lệ này của Việt Nam là rất khiêm tốn, song cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn của ngành hàng không Việt”, ông Phương nói.

Cụ thể hơn, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, Indonesia hiện có 20 hãng hàng không đang hoạt động, Thái Lan có 16 hãng, Phillippines có 12 hãng, Malaysia là 10 hãng…, còn Việt Nam hiện mới có 7 hãng, trong đó có 5 hãng nội địa.

Với nhu cầu di chuyển của người dân ngày một tăng như hiện nay, tiềm năng phát triển của ngành hàng không Việt là rõ ràng và việc ra đời các hãng hàng không mới là tất yếu.

Được biết, hiện có 3 doanh nghiệp trong nước đang đề xuất thành lập hãng hàng không gồm Vingroup với Vinpearl Air, Công ty Thiên Minh với Kite Air và Vietravel với Vietravel Airlines.

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng, thế giới đang thay đổi rất nhanh và hàng không trở thành một sản phẩm của đại chúng.

Sự bùng nổ của thị trường hàng không diễn ra trên nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ tăng trưởng cao, hàng không Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức, đó là hạ tầng, nguồn nhân lực, môi trường và quản trị rủi ro.

Tạo động lực phát triển bằng chính sách mở cửa

Để tạo thêm động lực cho hàng không Việt Nam phát triển, lãnh đạo Vietnam Airlines kiến nghị, bên cạnh thúc đẩy các hãng hàng không trong nước với chính sách mở cửa, Chính phủ cũng cần có chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế khác tham gia cung ứng dịch vụ hàng không để nâng cao chất lượng dịch vụ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày một lớn tới từ các hãng hàng không nước ngoài.

“Vietnam Airlines coi tăng trưởng vận chuyển hành khách là cơ hội để phát triển. Bởi vậy, các doanh nghiệp hàng không trong nước cần có môi trường chính sách phù hợp để vừa phát triển nhanh, đồng bộ, vừa đảm bảo hiệu quả bền vững, chất lượng an toàn. Có như vậy, các hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng chất lượng và bền vững hơn”, ông Thành nói.

Đánh giá về thị trường hàng không Việt Nam, GS. Nawal Taneja, chuyên gia hàng không quốc tế cho rằng, lĩnh vực này tăng trưởng cao sẽ đóng góp tích cực cho cả người dân và nền kinh tế, nên cần tiếp tục duy trì sự tăng trưởng.

Mặt khác, sự cạnh tranh giữa các hãng sẽ giúp gia tăng chất lượng dịch vụ, giá vé cũng sẽ rẻ hơn… Do đó, các chính sách cần tập trung hỗ trợ các hàng không hoạt động thuận lợi hơn.

Năm 2020, thị trường hàng không được dự báo sẽ tiếp tục sôi động với sự nhập cuộc của nhiều hãng hàng không mới.

Đơn cử, Kite Air dự định sẽ cất cánh từ 2020 với đội bay 30 tàu bay từ nay đến 2025. Vietravel Airlines dự kiến cất cánh trong quý II/2020, quy mô 30 tàu bay tính đến năm 2025. Trong khi đó, Vinpearl Air dự tính sẽ cất cánh từ tháng 7/2020 với 6 tàu bay và tăng lên 36 tàu bay đến năm 2025.

Nhìn về dài hạn, GS. Nawal Taneja đánh giá, triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam là rộng mở. Theo chuyên gia này, Việt Nam không thể phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch để tăng trưởng hàng không, bởi nền kinh tế cần được hàng không hỗ trợ để tăng lưu lượng giao thông.

Đó không chỉ đơn thuần là nhu cầu đi lại, mà là nhu cầu kinh tế. Cũng theo GS. Nawal Taneja, tốc độ tăng trưởng cao của khách hàng thương gia là điều cần lưu ý trong thời gian tới.

“TP. HCM có thể trở thành trung tâm công nghệ của thế giới và doanh nhân từ nhiều nơi sẽ tới thành phố này. Đó là nhu cầu du lịch của thương gia và cũng là điều kiện để ngành hàng không tăng lợi nhuận”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục