Mới đầu năm, Tập đoàn Dầu khí đã "vỡ" kế hoạch?

Thực tế biến động giá dầu trong khoảng 3 tháng trở lại đây khiến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khó khăn trong việc tính toán kế hoạch hoạt động của năm 2015.
Ngân sách có thể hụt thu tới 55.000 tỷ đồng nếu giá dầu đạt bình quân 60 USD/thùng trong năm 2015 Ngân sách có thể hụt thu tới 55.000 tỷ đồng nếu giá dầu đạt bình quân 60 USD/thùng trong năm 2015

Các bản tin quốc tế ngày 7/1 cho thấy, giá dầu WTI chỉ còn 47,93 USD/thùng và giá dầu Brent cũng chỉ còn 51,1 USD/thùng. Dự báo trong vòng 1 năm tới, giá dầu có thể dao động quanh mức 55 USD/thùng.

Chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi giá dầu giảm là PVN. Trong kế hoạch tài chính năm 2015 của PVN, hiện có 6 mốc giá dầu là 100 USD, 90 USD, 80 USD, 70 USD, 65 USD và 60 USD/thùng.

Theo các tính toán, nếu giá dầu ở mốc 100 USD/thùng (như giá dầu dự toán đã được Quốc hội thông qua), thì tổng doanh thu toàn PVN là 718.400 tỷ đồng và nộp ngân sách 159.000 tỷ đồng. Nếu giá dầu 60 USD/thùng, thì tổng doanh thu năm 2015 của PVN là 515.100 tỷ đồng, nộp ngân sách 104.200 tỷ đồng. Điều này có nghĩa là, ngân sách có thể hụt thu tới 55.000 tỷ đồng nếu giá dầu đạt bình quân 60 USD/thùng trong năm 2015.

Năm 2014, PVN đã khai thác được 17,37 triệu tấn dầu và giá dầu bình quân cả năm đạt cỡ 110 USD/thùng. Kết quả này đã giúp PVN đạt tổng doanh thu toàn Tập đoàn 745.500 tỷ đồng và nộp ngân sách 178.100 tỷ đồng, vượt 37,6 % so với kế hoạch.

Trong năm 2014, tổng lợi nhuận sau thuế toàn PVN đạt 46.000 tỷ đồng. Nếu tính cả phần lãi từ hoạt động của Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, con số này là 54.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế biến động giá dầu trong khoảng 3 tháng trở lại đây khiến PVN khó khăn trong việc tính toán kế hoạch hoạt động của năm 2015. Trên thực tế, 6 phương án giá dầu được nhắc tới đã được đưa ra khi giá dầu thế giới vẫn còn ở quanh mức 65-70 USD/thùng. Còn hiện nay, khi giá dầu thế giới xuống dưới 50 USD/thùng và chưa biết bao giờ sẽ bắt đáy cho thấy, sẽ phải đưa ra thêm những phương án mới. 

Nhưng chỉ với riêng các phương án tính toán nói trên, thì nếu giá dầu bình quân chỉ còn 60 USD/thùng, ngân sách sẽ mất khoảng 55.000 tỷ đồng thu từ dầu thô xuất khẩu trong năm 2015 so với phương án 100 USD/thùng. 

Nếu so với thực tế đạt được của năm 2014, ngân sách nhà nước còn giảm thu tới 70.000 tỷ đồng nếu giá dầu ở phương án 60 USD/thùng. Tuy nhiên, rất có thể đóng góp của PVN vào ngân sách còn giảm nữa nếu sản lượng khai thác không được như kế hoạch.

Theo kế hoạch được PVN công bố với báo giới mới đây, khai thác dầu thô năm 2015 sẽ là 16,8 triệu tấn, trong đó phần khai thác trong nước là 14,74 triệu tấn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐTV PVN cho biết, một khi giá dầu vẫn ở mức dưới 60 USD như hiện nay, thì PVN có thể phải dừng khai thác 4 mỏ có chi phí sản xuất từ 60 USD/thùng trở lên.

Dù tổng trữ lượng 4 mỏ này chỉ khoảng 450.000 tấn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong kế hoạch 16,8 triệu tấn dầu, nhưng cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một số chuyên gia dầu khí cho hay, với giá dầu khoảng 60 USD/thùng, thì khai thác dầu thô tại Việt Nam vẫn có lãi. Ngoài ra, đặc thù của Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (PSC) là khi khai thác dầu sẽ phải nộp thuế tài nguyên 4-8%, thuế xuất khẩu dầu thô 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp 50%, nên mặc dù giá dầu giảm, nhưng nếu vẫn khai thác dầu theo sản lượng, ngân sách vẫn thu được một số loại thuế.

Dẫu vậy, không ít hợp đồng PSC trong và ngoài nước mà PVN đang triển khai hiện nay có sự tham gia của các đối tác nước ngoài, nên câu chuyện tăng, giảm sản lượng hay dừng khai thác trong điều kiện giá dầu giảm mạnh như hiện nay cũng không thể chỉ mình đối tác bên Việt Nam tự quyết định được.

Trên thực tế, những mỏ dầu có hiệu quả kinh tế cao là bởi chi phí khai thác thấp có sự hội tụ của nhiều yếu tố như trữ lượng thu hồi lớn, sản lượng khai thác cao, dài hơi và gần bờ. Đây cũng là trường hợp của một số mỏ dầu đang khai thác tại các khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn như Bạch Hổ, Đại Hùng.

Tuy nhiên, không phải mỏ dầu nào cũng thuận lợi bởi một số mỏ chuẩn bị khai thác cũng ở trong bể Cửu Long, Nam Côn Sơn nhưng có trữ lượng thấp, nằm ở xa bờ hơn, thì chi phí cũng cao hơn rất nhiều, thậm chí ngưỡng hòa vốn là trên 60 USD/thùng.

Giá dầu xuống còn thách thức cả câu chuyện đầu tư vào khai thác dầu. Theo các chuyên gia, để bước vào giai đoạn khai thác dầu, thì các công đoạn liên quan cũng phải chuẩn bị mất khoảng 5 năm trước đó, chứ không thể đợi giá dầu lên mới lo đầu tư.

Năm 2014, PVN đã thực hiện đầu tư 82.800 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân đạt trên 81.000 tỷ đồng. Cũng có 8 mỏ dầu, công trình dầu khí được đưa vào khai thác bên cạnh hàng loạt dự án khác của PVN. Tuy vậy, trong thông tin với báo giới, PVN đã không nhắc tới câu chuyện đầu tư xây dựng cơ bản và kế hoạch tiêu tiền cho lĩnh vực này trong năm 2015.

Thanh Hương
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục