Ma trận bù chéo dịch vụ truyền hình với Internet

Việc cung cấp gói dịch vụ Internet kết hợp truyền hình đã đặt ra vấn đề: Liệu có bù chéo dịch vụ Internet và truyền hình?
Các đài truyền hình đang giảm giá khủng để thu hút người dùng bằng gói combo truyền hình và Internet Các đài truyền hình đang giảm giá khủng để thu hút người dùng bằng gói combo truyền hình và Internet

“Ma trận” combo truyền hình và Internet

“Các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu dùng thêm Truyền hình Viettel trên cùng đường truyền Internet sẽ rất rẻ và cho chất lượng tốt nhất. Tiết kiệm rất nhiều chi phí khi có nhu cầu sử dụng truyền hình. Chỉ với 40.000 đồng/tháng, bạn đã sở hữu ngay gói truyền hình 156 kênh, bao gồm 25 kênh HD”.

Đó là quảng cáo của Viettel xuất hiện trên các trang web. Theo đó, chỉ với 260.000 đồng/tháng, khách hàng sẽ được cả 2 gói Internet cáp quang tốc độ cao và trọn gói truyền hình Internet. Trong khi đó, chỉ riêng giá cước Internet cáp quang nội thành của Viettel đã có giá từ 220.000 - 300.000 đồng/tháng.

Tương tự, FPT cũng đang cung cấp combo  “Cáp quang FPT và Truyền hình FPT”, khách hàng đồng thời sử dụng dịch vụ Internet cáp quang cho máy tính, điện thoại và các thiết bị sử dụng Internet tiêu chuẩn chỉ với giá từ 230.000 đồng/tháng, trong khi riêng giá Internet cáp quang của FPT đã từ 215.000 - 340.000 đồng/tháng.

Truyền hình SCTV cũng có gói combo Internet 15Mbps và truyền hình HD giá 258.000 đồng/tháng, Internet 20Mbps và truyền hình HD giá 288.000 đồng/tháng.

Truyền hình VTVcab có giá dịch vụ truyền hình HD là 160.000 đồng/tháng, tuy nhiên, nếu khách hàng dùng trọn gói cả Internet 25Mbps thì giá cho cả hai dịch vụ chỉ còn 250.000 đồng/tháng…

Lưu ý rằng, đây là những bảng giá công bố, niêm yết. Trên thực tế, giá các gói combo còn rẻ hơn rất nhiều nếu khách hàng dùng 6-16 tháng.

Việc cung cấp 2 loại dịch vụ là truyền hình trả tiền và Internet trong cùng một gói cước, nhưng lại có tổng giá thấp hơn giá trị 2 gói riêng lẻ đã đặt ra vấn đề, liệu các nhà cung cấp dịch vụ này có bù chéo  hay không, có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không?

Cần biện pháp mạnh để chống bù chéo giá

Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), truyền hình trả tiền đang gặp rất nhiều khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt, chi phí tăng cao, doanh thu giảm, APRU (doanh thu trên một thuê bao tháng) thấp, chỉ khoảng 3-4 USD/thuê bao/tháng. Thậm chí, tại một số địa phương, giá thuê bao của MyTV, NextTV, MobiTV (vừa đổi tên thành VivaTV) chỉ 20.000 - 30.000 đồng/tháng.

“APRU của truyền hình trả tiền quá thấp là do có hiện tượng bù chéo giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình của các nhà mạng viễn thông. Ví dụ, hiện nay có những gói combo nhiều dịch vụ, một thuê bao dùng nhiều dịch vụ của nhà mạng cùng lúc như Internet và truyền hình thì khách hàng có khi chỉ phải trả tiền Internet là được dùng miễn phí dịch vụ truyền hình.

Bên cạnh hiện tượng bù chéo, còn có dấu hiệu ẩn doanh thu bằng cách, đơn vị cung cấp dịch vụ không có hợp đồng mẫu, không hạch toán chi tiết từng dòng doanh thu trên hóa đơn, do đó có thể vừa trốn được doanh thu, vừa đẩy giá dịch vụ truyền hình xuống thấp”, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV cho rằng, cung cấp 3 dịch vụ trên một đường dây của các nhà mạng là một chiến lược phổ biến. Việc bù chéo sẽ tạo ra lợi thế nhất định cho nhà mạng. Ví dụ, đăng ký Internet thì được tặng hoặc giảm giá truyền hình, để tạo ra một hệ sinh thái người dùng hoặc tạo cho người dùng quen dần một sản phẩm mới và thu được phí trong tương lai.

 Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay, cả nước có 36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền. Trong đó có 20/36 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet. Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 15,3 triệu thuê bao, doanh thu ước đạt 1.885 tỷ đồng.   

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, cách làm này lợi bất cập hại.

Còn nhớ, năm 2013-2014, khi Viettel chính thức tham gia thị trường truyền hình trả tiền, các nhà đài lúc đó đã bày tỏ sự e ngại và cảnh báo rằng, với tiềm lực mạnh, hạ tầng rộng khắp, Viettel sẽ phá giá thị trường, bán dưới giá thành và bù chéo giá dịch vụ. Với những gì đang diễn ra, “mối nguy” đó hiện nay đã thành hiện thực.

Có một thực tế đang diễn ra trên thị trường là các nhà mạng viễn thông, nhà cung cấp dịch vụ Internet đang “tối ưu hóa” khai thác thuê bao. Theo đó, sau khi lắp đặt xong các tuyến cáp quang mới vào tận nhà, họ sẽ khuyến mại, lôi kéo người dùng bằng việc dùng “2 trong 1”, tức là dùng Internet thì miễn phí truyền hình hoặc ngược lại, hoặc dùng “biện pháp kỹ thuật” xây dựng các gói combo như trên.

Cái lợi trước mắt là thu hút được người dùng, nhưng về lâu dài, cuộc cạnh tranh về giá sẽ đẩy các nhà cung cấp xuống vực thẳm khi doanh thu không bù được chi phí. Chính vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước để làm minh bạch thị trường, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ trao đổi với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam bàn biện pháp chống cạnh tranh không bình đẳng, chống hiện tượng bù chéo giữa viễn thông và truyền hình.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục