Kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp cần thích nghi dần

(ĐTCK) Để tiếp cận các thị trường nước ngoài, hàng hóa Việt Nam phải vượt qua các rào cản thuế quan, phòng vệ thương mại. Nếu như hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ thông qua các hiệp định thương mại tự do thì các biện pháp phòng vệ thương mại là thách thức lớn vì sự xuất hiện bất ngờ nhưng mức độ ảnh hưởng lại lâu dài.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng

Tính đến nay, Việt Nam có 107 vụ việc bị áp các biện pháp phòng vệ thương mại, trong đó có 78 vụ kiện chống bán phá giá, 12 vụ kiện chống trợ cấp và 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế. Các thị trường mà hàng hóa Việt Nam gặp nhiều rào cản thương mại nhất là Mỹ, Ấn Độ, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, EU, Canada, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Argentina.

Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hàng hóa Việt Nam càng ngày càng bị kiện chống bán phá giá nhiều hơn. Trước năm 2008, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chưa từng bị kiện. Lần đầu tiên, Việt Nam bị kiện chống trợ cấp đối với sản phẩm túi nhựa vào năm 2008 và các vụ kiện liên tục tăng lên qua các năm.

Tính đến tháng 5/2018, có 78 vụ việc hàng hóa Việt Nam bị các nước kiện chống bán phá giá. Mới đây nhất, ngày 12/6/2018, Mỹ kiện Việt Nam chống bán phá giá sản phẩm thép. Thép cũng là sản phẩm bị kiện nhiều nhất, chiếm 37/78 vụ kiện. Đứng thứ hai là các mặt hàng sợi, dệt (8/78); kế tiếp là xe đạp, lốp xe, giày dép…

Từ đầu năm 2018 đến nay, Việt Nam có 3 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá tại các thị trường Canada, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, sản phẩm thép cuộn cán nguội của Việt Nam xuất sang Canada cùng lúc bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp, thời gian khởi kiện từ 25/5/2018. Sản phẩm bao và túi đóng hàng dệt từ polyetylen của Việt Nam xuất đi Mỹ cũng bị kiện với hai nội dung như trên và thời gian khởi kiện từ 28/3. Sản phẩm dây hàn bằng kim loại cơ bản của Việt Nam xuất đi Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị khởi kiện chống bán phá giá từ 6/3.

Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng cũng đồng thời là thị trường mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ kiện nhất, với hơn 22% số vụ kiện chống bán phá giá và khoảng 50% tổng vụ kiện chống trợ cấp đến từ thị trường này.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tính đến tháng 5/2018, cơ quan này đã có hơn 400 lệnh điều tra chống bán phá giá, trong đó có 10 lệnh liên quan đến Việt Nam. Các mặt hàng của Việt Nam bị lệnh điều tra chống bán phá giá ở Mỹ là cá file đông lạnh, hòm và tủ đựng dụng cụ, tháp gió.

Đáng chú ý, trong số những nước đi kiện chống bán phá giá với hàng hóa Việt Nam, mới có Ấn Độ, Argentina, Úc đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, còn Mỹ vẫn đang coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Bà Nguyễn Thu Trang cho rằng, không chỉ riêng Việt Nam, mà các nước khác trên thế giới cũng phải đối mặt với việc bị kiện chống bán phá giá gia tăng. Đây cũng là hệ quả của việc hàng rào thuế quan giữa nhiều quốc gia, khu vực được dỡ bỏ và các quốc gia, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải tìm đến biện pháp khác gồm điều tra phòng vệ thương mại, chống bán phá, chống trợ cấp để bảo vệ sản xuất trong nước.

… và xảy đến bất ngờ

“Các vụ việc kiện sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại thường đến bất ngờ, bởi 99% các vụ kiện xuất phát từ đơn kiện của nhà sản xuất nội địa. Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là tiếp nhận đơn kiện và xử lý. Cơ quan điều tra không đánh giá được vì sao vụ kiện nhiều lên và cảnh báo chỉ mang tính tương đối”, bà Trang nhấn mạnh.

Chính vì thế, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng hơn các biện pháp phòng vệ thương mại, chủ động nắm bắt thông tin, quy định pháp luật để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm chứng minh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp là phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

Các chuyên gia lưu ý, có nhiều trường hợp hàng hóa bị kiện chống bán phá giá ban đầu xuất phát từ việc hàng hóa Trung Quốc cùng loại bị kiện. Đây là vấn đề các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu tâm khi có các sản phẩm tương tự với hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá.

Trả lời câu hỏi của một doanh nghiệp thép liên quan đến nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá tại thị trường Mỹ, đại diện Bộ Thương mại Mỹ, ông James Maeder cho rằng: “Luật pháp Mỹ không quy định về ngưỡng số lượng hàng hóa, nhưng nếu doanh nghiệp xuất vào Mỹ một số lượng thép không đáng kể thì chúng tôi sẽ không xác định điều tra”.

Mỹ vẫn coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường và các vụ điều tra chống bán phá giá được điều tra kỹ, nhưng đại diện Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong vòng 1 năm đối với những công ty chịu thuế chống bán phá giá nếu họ chứng minh được có cải thiện về điều kiện sản xuất thì quyết định áp thuế sẽ được xem xét lại.

Trao đổi với doanh nghiệp Việt Nam, ông Gary Taverman, Quyền Vụ trưởng Vụ thực thi và tuân thủ, Bộ Thương mại Mỹ mong muốn các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin để có cơ hội tham gia vào sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, đó là ý nghĩa căn bản của phòng vệ thương mại.

Và một trong những vấn đề quan trọng nhất để vượt qua các rào cản phòng vệ thương mại, theo ông Gary Taverman, doanh nghiệp cần hiểu được xu hướng mới cũng như thực tiễn phòng vệ thương mại tại Mỹ để có kế hoạch sản xuất - kinh doanh hợp lý.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục