Khởi động khung pháp lý cho quỹ đầu tư mạo hiểm

(ĐTCK) Dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo (Start-up) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến đóng góp đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng khởi nghiệp, cũng như các tổ chức, DN và đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. 
Chính thức hóa việc thành lập và đưa quỹ đầu tư mạo hiểm vào hoạt động sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế và xã hội Chính thức hóa việc thành lập và đưa quỹ đầu tư mạo hiểm vào hoạt động sẽ mang lại giá trị cho nền kinh tế và xã hội

Đây được coi là khung pháp lý hoàn thiện nhất từ trước tới nay để chính thức hóa việc thành lập và đưa quỹ đầu tư mạo hiểm trở thành một trong những phương thức đầu tư tài chính khả thi, giúp hiện thực hóa các ý tưởng Start-up, mang lại giá trị cho nền kinh tế và xã hội.  

Khảo sát thực tiễn gần đây của Cục Phát triển DN cho thấy, hiện có nhiều NĐT tư nhân có nhu cầu góp vốn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm để đầu tư vào các dự án Start-up có tiềm năng. Tuy nhiên, để thành lập một quỹ đầu tư như mô hình quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán thì các điều kiện lại quá khắt khe, các NĐT quy mô nhỏ không thể đáp ứng.

“Ví dụ, đối với quỹ đại chúng, một trong số các điều kiện thành lập là yêu cầu phải có ít nhất 100 NĐT, không kể NĐT chứng khoán chuyên nghiệp mua chứng chỉ quỹ và tổng giá trị chứng chỉ quỹ đã bán đạt ít nhất là 50 tỷ đồng; đối với quỹ thành viên, điều kiện là vốn thực góp tối thiểu đạt 50 tỷ đồng và có tối đa 30 thành viên góp vốn là pháp nhân; vốn tối thiểu để được thành lập và hoạt động của công ty đầu tư chứng khoán là 50 tỷ đồng…, Những điều này là rất khó khăn đối với các NĐT tư nhân”, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết.

Hơn nữa, theo ông Hùng, xét về về bản chất thì đầu tư mạo hiểm cho Start-up không giống với đầu tư chứng khoán. Đối tượng đầu tư chứng khoán thường là các công ty đã và đang hoạt động, có sản phẩm/hàng hóa trên thị trường, đã có doanh thu và niêm yết trên TTCK. Trong khi đó, Start-up có thể là các cá nhân/nhóm cá nhân có ý tưởng sáng tạo đang trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh và hình thành mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh. Do đó, nếu áp dụng quy định của Luật Chứng khoán cho quỹ đầu tư mạo hiểm Start-up sẽ không phù hợp và không khuyến khích việc góp vốn.

Đó cũng là lý do Cục Phát triển DN kiến nghị điều chỉnh tên gọi quy định tại Điều 67, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 là hướng dẫn về thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm cho Start-up và xây dựng Thông tư hướng dẫn thành lập. Đây là khung pháp lý rất cần thiết và tạo điều kiện hình thành sân chơi chuyên nghiệp cho các NĐT mạo hiểm. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ khu vực tư nhân cho Start-up.

Về nguyên tắc, ông Hùng cho biết, để đầu tư mạo hiểm cho Start-up, các NĐT và đối tượng Start-up tự thỏa thuận về giá trị phần vốn góp, cổ phần, tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ cổ phần tại DN được hình thành, hoặc tăng vốn từ hoạt động đầu tư. Theo đó, quỹ đầu tư mạo hiểm là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện việc đầu tư cho Start-up. Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác nhận sự thành lập của quỹ, các thỏa thuận giữa các NĐT, làm căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp (nếu có). Dự thảo Thông tư cũng quy định về việc thành lập, một số nguyên tắc tổ chức, quản lý của quỹ để hướng dẫn các NĐT thực hiện đầu tư.

Theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Thông tư đưa ra khuôn khổ pháp lý mang tính định hướng của những cam kết về hàng loạt điều kiện ràng buộc giữa nhà sáng chế, sáng tạo hay chủ của những ý tưởng đổi mới với những người cấp vốn. Những cam kết này dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản và Nhà nước sẽ không can thiệp vào mối quan hệ này. Việc nhìn nhận đây là nguồn tài chính hợp pháp trong xã hội sẽ giúp NĐT mạnh dạn đầu tư vào loại hình này hơn trong tương lai, đồng thời được coi là “điểm mở”, góp phần tạo nên làn sóng thu hút vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Cũng theo ông Đông, để tránh rủi ro cho hệ thống tín dụng và minh bạch nguồn vốn trong đầu tư, dự thảo Thông tư quy định, thành viên không được dùng vốn vay dưới bất kỳ hình thức nào để góp vốn vào quỹ.

“Cần tách ra như vậy để tránh sự nhập nhằng trong đầu tư. Bởi nếu ngân hàng cho vay thì đó sẽ là quỹ của ngân hàng, chứ không còn là quỹ đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, khi sản phẩm chưa được thương mại hóa, ngân hàng sẽ rất khó để thẩm định dự án và ra quyết định cho vay. Việc tách ra vừa không hạn chế nguồn vốn đổ vào quỹ, vừa không tạo ra kẽ hở, mà vẫn đảm bảo tránh được rủi ro cho hệ thống tín dụng”, ông Đông khẳng định.

​Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục