Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chưa bị tác động bởi Brexit

(ĐTCK) EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), là 2 FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.
Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam

Tại cuộc họp báo chiều 28/6/2016, trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc Vương quốc Anh quyết định rời EU có ảnh hưởng như thế nào đến Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Còn quá sớm để nói về tác động của Brexit lên EVFTA. Hiện nay, chúng ta phải lắng nghe ý kiến từ Chính phủ và Nghị viện Anh, cũng như cuộc họp thượng đỉnh của Ủy ban Châu Âu diễn ra ngày 29/6. Tất cả chúng ta đều mong muốn sẽ không có những ảnh hưởng tiêu cực đến những gì chúng ta đang làm. Chúng ta đang chờ đợi cách Chính phủ Anh sẽ thực hiện kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Liên minh Châu Âu như thế nào”.

Điều 50 của Hiệp ước Liên minh châu Âu thiết lập các quy định để một thành viên ra đi, đòi hỏi quốc gia thành viên phải thông báo cho EU về quyết định của mình. Sau đó, hai bên phải thương lượng về một thỏa thuận rút lui.

Ông Bruno cũng cho biết, đối với EVFTA, lãnh đạo của EU và Việt Nam đã đưa ra những cam kết trong khuôn khổ EVFTA. Hiện hai bên đang trong quá trình rà soát pháp lý và dịch văn kiện này sang tiếng Việt và 24 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng trong EU.

“Chúng tôi thấy rằng, EVFTA vẫn đang đi đúng lộ trình”, ông Bruno nhấn mạnh, “Trong thời gian tới, Ủy ban Châu Âu và Bộ Công thương Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với nhau về mặt kỹ thuật để mọi công việc được hoàn thành đúng lộ trình. Kỳ vọng rằng EVFTA sẽ được ký kết vào đầu năm tới và sẽ có hiệu lực vào năm 2018”.

EVFTA là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA, cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), là 2 FTA có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Ngày 1/12/2015, EVFTA đã chính thức kết thúc đàm phán và đến ngày 1/2/2016, văn bản hiệp định đã được công bố.

Về thuế nhập khẩu, với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và tương đối toàn diện, EVFTA sẽ tạo ra nhiều cơ hội thị trường mới cho hàng xuất khẩu của cả Việt Nam và EU. Theo cam kết, hai bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau, với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam.

Bên cạnh cam kết về thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU cũng cam kết không đánh thuế với hàng hóa khi xuất khẩu từ bên này sang bên kia, trừ một số bảo lưu của Việt Nam, chủ yếu là khoáng sản.

Lý do của việc đưa ra cam kết này là hầu hết các nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một loại trợ cấp xuất khẩu gián tiếp, vì sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho nhà sản xuất ở nước nhập khẩu, dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với nhà sản xuất ở những nước sẵn có nguồn nguyên liệu đầu vào này.

Theo Bộ Công thương, cam kết cụ thể của Việt Nam về thuế xuất khẩu trong EVFTA như sau:

- Bảo lưu quyền áp dụng thuế xuất khẩu với 75 dòng thuế, gồm các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit, một số loại quặng và tinh quặng (sắt, măng-gan, đồng, niken, nhôm, chì, kẽm, và urani…), dầu thô, than đá, than cốc, và vàng…

- Trong số 57 dòng thuế trên, các dòng thuế có mức thuế xuất khẩu hiện hành cao sẽ được đưa về mức 20% trong thời gian tối đa là 5 năm. Riêng quặng măng-gan sẽ được giảm về 10%. Các loại sản phẩm còn lại duy trì ở mức thuế hiện hành.

- Với toàn bộ sản phẩm khác, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 15 năm.

Thanh Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục