Hậu Brexit: Thủy sản gặp khó khi đồng euro giảm giá

(ĐTCK)  Cú sốc khi Anh rời Liên minh châu Âu – EU (hay Brexit) đã không còn ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn. Chính sách ứng phó kịp thời từ chính phủ các nước, thời gian tiến hành Brexit, độ trễ suy giảm kinh tế… là các yếu tố giúp bão hòa cú sốc này.
Sau Brexit, đồng bảng Anh và euro cùng giảm giá, nên xuất khẩu thủy sản sang thị trường này bị ảnh hưởng lớn Sau Brexit, đồng bảng Anh và euro cùng giảm giá, nên xuất khẩu thủy sản sang thị trường này bị ảnh hưởng lớn

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán, ảnh hưởng thời kỳ hậu Brexit sẽ còn kéo dài và trước mắt, doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và lân cận sẽ chịu tác động nhất định.

Giám đốc Khối Thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc), ông Yun Hang Jin cho rằng, sau hiệp định thương mại tự do đã ký kết thời gian qua, vai trò của Anh và EU càng trở lên quan trọng hơn đối với Việt Nam. Vì vậy, theo ông Jin, khả năng Brexit sẽ còn ảnh hưởng đến Việt Nam trong trung và dài hạn.

Do tiến trình Brexit diễn ra chậm, nên ảnh hưởng sẽ không tập trung vào một thời điểm nhất định. Thực tế, hậu Brexit, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy-hải sản của Việt Nam đã phải điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận, do tình hình kinh doanh kém lạc quan, cộng với tác động của đồng euro giảm giá sau sự kiện này.

Chẳng hạn, HĐQT CTCP Trang (mã TFC) vừa thông qua kế hoạch điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016, sau khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp âm hơn 13,7 tỷ đồng do tình hình xuất khẩu bị ảnh hưởng. Theo giải trình của TFC, việc lợi nhuận sụt giảm mạnh là do tình hình biến động chung của ngành thủy sản và ngành chế biến thực phẩm xuất khẩu, khi đang chịu sự canh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp thủy sản khác trên thế giới.

Cùng với đó, chi phí cũng là một gánh nặng, khiến cho giá vốn hàng bán tăng cao và tỷ lệ lãi gộp giảm đáng kể. Hiện TFC đang thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, cũng như các thị trường lớn khác là Mỹ, Úc, Canada,… Do đó, TFC kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ hồi phục, tăng trưởng tốt hơn trong những năm tới.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tính đến 15/6/2016 đạt trên 47,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy xuất khẩu tôm sang Anh có mức tăng khá, nhưng mức tăng này đã giảm khá nhiều so với các tháng trước đó. Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh trong 4 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, đạt 39%. Tháng 5 là tháng đầu tiên kể từ đầu năm, xuất khẩu tôm sang thị trường Anh giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước, kéo mức tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm tôm sang thị trường này còn 21,6% sau 5 tháng.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tính đến 15/6/2016 đạt trên 47,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.   

(Nguồn: VASEP)

Theo VASEP, đối với ngành thủy sản Việt Nam, Anh là thị trường lớn nhất nhì trong khu vực EU. Hơn nữa, đây không phải là thị trường mang tính “cửa ngõ” như Tây Ban Nha, Hà Lan, Bỉ..., mà là thị trường tiêu thụ. Hầu hết các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đều trực tiếp tới tay người tiêu dùng nước này. Vì thế, dù Anh có rời EU hay không thì việc mua bán thủy sản giữa nhà nhập khẩu Anh với nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh về giá của thủy sản Việt Nam xuất sang Anh.

Đại diện một doanh nghiệp thủy sản tại Cần Thơ cho biết, EU là một trong 3 thị trường chính của doanh nghiệp. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Anh chiếm khá lớn, nên với việc Anh rời EU sẽ có khó khăn trong xuất khẩu, trước tiên do đồng bảng Anh giảm giá. Không chỉ đồng bảng Anh, mà đồng euro cũng giảm, điều này sẽ không chỉ gây khó khăn trong xuất khẩu thủy sản sang Anh, mà ngay cả sang EU. VASEP cũng lo ngại, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang các nước này sẽ không còn được hưởng những điều kiện ưu đãi về thuế như trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU khi chính thức thông qua.

Trong cuộc họp định kỳ ngày 16/9, Uỷ ban Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã quyết định giữ nguyên lãi suất, song cũng phát đi tín hiệu về khả năng cắt giảm lãi suất lần nữa trước tháng 11/2016, nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Các dữ liệu gần đây cho thấy, kinh tế Anh đã bước đầu vượt qua cú sốc Brexit, song tăng trưởng vẫn sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra nhận định, tác động từ bên ngoài đến kinh tế Việt Nam (như Brexit, Fed có tăng lãi suất trong những tháng cuối năm hay không) cũng không đáng kể. Điều đáng quan tâm là các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có bị trì hoãn như các dự báo hay không, bởi TPP có ảnh hưởng rất lớn đến Việt Nam. Ước tính, TPP sẽ giúp tăng 10% đối với GDP và 30% đối với xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2020.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục