Gỡ khó cho doanh nghiệp: Chính phủ sốt ruột, địa phương thờ ơ

(ĐTCK) Dù Chính phủ đã có những bước đi khá mạnh mẽ trong việc cải cách bộ máy quản lý và các thủ tục hành chính, hệ thống văn bản pháp luật, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, song nhiều ý kiến của cộng đồng DN tại Diễn đàn DN Việt Nam cuối kỳ 2014 (VBF 2014) mới đây vẫn bày tỏ quan ngại lớn trước sự chậm trễ của hệ thống cơ quan công quyền địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Gỡ khó cho doanh nghiệp: Chính phủ sốt ruột, địa phương thờ ơ

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 11 tháng đầu năm nay, có khoảng 60.000 DN gặp khó khăn, buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của VCCI, những con số trên cho thấy, cộng đồng DN Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, qua tập hợp thông tin và kết quả điều tra khảo sát từ cộng đồng DN, những rào cản lớn nhất gây cản trở và tác động tiêu cực tới hoạt động của các DN phần lớn vẫn xuất phát từ sự chậm trễ, quan liêu của một bộ phận không nhỏ trong bộ máy cơ quan công quyền.

“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Công tác cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục phiền hà, giảm chi phí tuân thủ tuy đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, nhưng mới chỉ ở một vài khâu hoặc lĩnh vực. Cộng đồng DN vẫn đang kỳ vọng sự đột phá lớn hơn của các cơ quan chính quyền trong thời gian tới”, ông Lộc nhấn mạnh. 

Không chỉ có vậy, điều đáng lo ngại hơn được cơ quan đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam nêu lên là có dấu hiệu cho thấy sự trở lại của tư duy quản lý kiểu cũ tại một số ngành, lĩnh vực, địa phương. Thay vì tạo sự thông thoáng trong gia nhập thị trường và tăng cường hậu kiểm thì trong một số lĩnh vực, lại có xu hướng siết chặt về điều kiện gia nhập thị trường, khiến nhiều DN rơi vào tình thế khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đóng cửa, giải thể.

Một điều cũng rất đáng lưu tâm từ các khảo sát của VCCI là trong khi Chính phủ và các cơ quan Trung ương rất rốt ráo trong việc đẩy nhanh các cải cách hệ thống hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho DN, thì ngược lại, bộ máy công quyền cấp cơ sở và địa phương lại tỏ ra khá đủng đỉnh. Cải cách thủ tục hành chính ở các địa phương diễn ra rất chậm, với mức độ cải thiện còn rất thấp.

“Ở thời điểm cuối năm này, tôi lại nhớ đến tâm sự của Thủ tướng tại cuộc gặp cộng đồng DN hồi tháng Tư. Thủ tướng cảm thấy rất sốt ruột với cải cách hành chính, nhưng càng đi xuống dưới bộ máy công quyền thì thấy không khí này càng nguội đi. Với nhiều cán bộ, công chức cơ sở, dường như không có việc gì xảy ra”, ông Lộc bức xúc bày tỏ.

Cũng liên quan đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính cấp cơ sở và địa phương, Nhóm công tác đầu tư và thương mại tiếp tục bày tỏ mối quan ngại đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và thương mại. “Việc mất nhiều thời gian xin ý kiến của các cơ quan công quyền cấp cơ sở đã khiến thời gian cấp phép bị kéo dài, vì những quy trình xin ý kiến lòng vòng giữa các sở chuyên ngành với Văn phòng UBND”, ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm công tác đầu tư và thương mại cho biết.

Bên cạnh đó, cũng theo tổng kết của nhóm công tác, trách nhiệm xử lý hồ sơ của công chức cấp cơ sở cũng là một vấn đề bức thiết đặt ra, bởi nó là nguyên nhân chính dẫn tới việc giải quyết bị kéo dài. “Cả một quy trình cấp phép không thể vận hành khi công chức từ chối nhận hồ sơ vì những lý do không hợp lý hoặc theo ý chí chủ quan của công chức. Thời hạn xử lý bị kéo dài với nhiều yêu cầu giải trình, bổ sung hồ sơ. Có khi công chức làm thay chức năng của tòa án, luật sư khi thẩm định sự phù hợp với pháp luật của các điều khoản trong hợp đồng, điều lệ”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo kiến nghị của Nhóm công tác đầu tư và thương mại, do quan ngại lớn vẫn là việc triển khai thực hiện trên thực tế nên với sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ trong VBF năm nay, cộng đồng DN kỳ vọng, Chính phủ sẽ có biện pháp chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt hơn để có thể đẩy nhanh cải cách ở cấp cơ sở địa phương, nhằm cắt giảm 30 - 50% thủ tục hành chính hiện hành như mục tiêu đã đề ra. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục