Giải trình thông tin, trình nhưng không… giải

(ĐTCK) Với cơ chế giải trình thông tin hiện áp dụng với các doanh nghiệp niêm yết, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư, đa số doanh nghiệp chỉ trình bày qua loa vài thông tin theo kiểu chiếu lệ, mà không giải trình sự thực phía sau những diễn biến bất thường tại doanh nghiệp.
Giải trình thông tin, trình nhưng không… giải

“Giải trình chẳng có thông tin…”

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Úc nhìn nhận như vậy về tình trạng doanh nghiệp niêm yết Việt Nam giải trình thông tin.

Chẳng hạn, khi giá cổ phiếu biến động bất thường, thay vì khẳng định có hay không ban lãnh đạo, cổ đông lớn có động thái kéo/đẩy giá cổ phiếu, hoặc giao dịch của cổ đông lớn, hoạt động kinh doanh của công ty có diễn biến bất thường…, thì nội dung nhiều doanh nghiệp đưa ra là do cung cầu của thị trường, chứ doanh nghiệp không liên quan.

Khi doanh thu, lợi nhuận chênh lệch lớn giữa số liệu sau kiểm toán so với trước kiểm toán, doanh nghiệp thường giải trình sơ sài rằng, doanh nghiệp có cách hiểu khác với kiểm toán về cách hạch toán một số khoản mục.

Hay giải trình lợi nhuận kỳ này tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp không nêu rõ nguyên nhân, mà chủ yếu nêu chung chung rằng, lợi nhuận tăng do doanh thu tăng, chi phí giảm… và ngược lại.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư cá nhân gắn bó lâu năm với thị trường, ông Trần Tiến Dũng cho rằng, kiểu giải trình thông tin của không ít doanh nghiệp hiện nay chưa chạm đến sự thật do kẽ hở của quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, quy định chưa đưa ra ràng buộc mạnh mẽ rằng, nếu doanh nghiệp giải trình không đúng sự thật thì khi cơ quan quản lý phát hiện ra sẽ bị phạt nặng. Hệ quả là phổ biến kiểu giải trình thông tin hình thức, không đáp ứng được mong đợi của nhà đầu tư, khiến họ đối mặt với những rủi ro khôn lường.

Liên quan đến nguyên nhân của tình trạng doanh nghiệp giải trình thông tin hình thức, theo góc nhìn của ông Long, là do quy định pháp lý về giải trình đang bộc lộ khiếm khuyết, khi chưa định rõ, mỗi khi xuất hiện tin đồn, diễn biến bất thường về “sức khỏe” của doanh nghiệp, về biến động giá cổ phiếu…, thì doanh nghiệp phải công khai những tác động mang tính chủ quan từ phía doanh nghiệp. Chế tài chưa nhấn mạnh đến hậu quả nặng nề (do chịu án phạt) mà doanh nghiệp phải gánh chịu nếu họ cố tình gian dối khi giải trình thông tin. Hệ quả là doanh nghiệp chẳng ngại giải trình không đúng sự thật, vì như vậy, với họ có lợi hơn là hại.

Cần sửa cơ chế giải trình

Để khắc phục hạn chế trên, qua đó tạo sức ép mới với những doanh nghiệp không minh bạch thông tin, đồng thời ràng buộc trách nhiệm rõ ràng khi họ giải trình không rõ thông tin, thậm chí gian dối, ý kiến từ nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư cho rằng, nhân việc sửa Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai, nên bổ sung vào văn bản này các nguyên tắc rõ ràng về trách nhiệm giải trình đúng bản chất sự việc của doanh nghiệp. Nếu giải trình không rõ, thậm chí cung cấp ra thị trường thông tin sai sự thật, thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với án phạt nặng, thậm chí không chỉ xử lý hành chính, mà còn bị xem xét xử lý hình sự.

Ông Long khuyến nghị, Việt Nam cần sửa cơ chế giải trình trong quá trình sửa Luật Chứng khoán theo hướng giải trình đúng chỗ như thông lệ quốc tế. Có nghĩa là hành lang pháp lý phải định ra các nguyên tắc khi một sự việc bất thường xảy ra tại doanh nghiệp niêm yết, hoặc khi có những yếu tố tác động lớn đến giá cổ phiếu như giao dịch của cổ đông lớn với các bên liên quan, giao dịch của công ty mẹ với công ty con, công ty liên kết, công ty có mối quan hệ với các cổ đông lớn, ban lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp…, thì buộc họ phải chỉ rõ nguyên nhân, nhất là những yếu tố mang tính chủ quan từ phía doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể lờ đi những nguyên nhân mang tính trực diện bằng việc đưa ra vài thông tin giải thích sơ sài theo kiểu chiếu lệ và đổ lỗi cho yếu tố khách quan như cách nhiều doanh nghiệp đang làm.

Để hỗ trợ cho cơ chế giải trình được vận hành hiệu quả theo hướng đổi mới trên, cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động thanh-kiểm tra, nhất là bằng hình thức đột xuất, để xác minh tính xác thực của thông tin doanh nghiệp giải trình.

Nếu phát hiện doanh nghiệp giải trình sai sự thật, cố tình che giấu thông tin thì phạt nặng cả về hành chính lẫn hình sự theo tội danh cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật. Trong đó, chế tài hành chính cần được hoàn thiện theo hướng tăng nặng, nhất là áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như cấm phát hành cổ phiếu, trái phiếu để tăng vốn trong một thời gian, hay đưa cổ phiếu vào dạng cảnh báo… nhằm đảm bảo tính răn đe.

Chế tài sửa đổi phải tạo ra sự thay đổi lớn theo hướng doanh nghiệp vi phạm “mất rất nhiều so với được”, tránh tình trạng đang “được nhiều hơn mất” như hiện nay.  

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục