Động thái tích cực giải bài toán chi phí logistic

(ĐTCK) Chi phí logistic ở Việt Nam còn ở mức cao đang là vấn đề khiến các doanh nghiệp đau đầu. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistic tại Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Ở các nước phát triển, chi phí này chỉ từ  9 -14%. Do đó, đưa ra các giải pháp mạnh tay để giảm chi phí logistic là vấn đề có ý nghĩa lớn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam.
Động thái tích cực giải bài toán chi phí logistic

Chi phí vận tải tạo gánh nặng

Việc cắt giảm chi phí logistic nói chung và chi phí vận tải nói riêng đang là một nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra và có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam. Trong đó, trọng tâm là giảm chi phí vận tải - vốn là gánh nặng lớn nhất tại Việt Nam khi chiếm khoảng 59% tổng chi phí logistic. Con số này ở Thái Lan vào khoảng 53,5%.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, đối với từng mặt hàng khác nhau, chi phí vận tải chiếm tỷ lệ khác nhau. Cụ thể, với mặt hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận tải chiếm 51%, lưu kho chiếm 20%, xếp dỡ 23%, đóng gói 5% và cảng phí 1%. Trong khi đó, với mặt hàng may mặc xuất khẩu, chi phí vận tải là 61%, lưu kho 9%, xếp dỡ 19%, đóng gói 9% và cảng phí 2%. Điều dễ nhận thấy là chi phí vận tải luôn chiếm phần lớn nhất trong chi phí logistic.

Phân tích cụ thể hơn, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, chi phí logistics tại Việt Nam cao chủ yếu bởi chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, do đó cần có chiến lược phát triển vận tải container ven bờ biển. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả kết hợp hai chiều thông qua sàn giao dịch vận tải, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa quá trình vận chuyển.

Thực tế trên cho thấy, doanh nghiệp Việt đang bị giảm sức cạnh tranh bởi chi phí logistic. Đó là lý do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cần phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí là rào cản lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, trong đó có chi phí logistics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước. Cùng với nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế..., việc cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là chi phí logistics phải được quan tâm đúng mức, thực hiện có hiệu quả với những hành động cụ thể”.

Hiện nay, logistic đang được đánh giá là ngành quan trọng với quy mô trị giá hàng tỷ USD, một trong 12 nhóm ngành được Cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên phát triển, được nhiều doanh nghiệp tham gia. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp Việt làm không tốt, miếng bánh thị phần sẽ rơi vào tay công ty ngoại.

“Việc tổ chức thực hiện dịch vụ này phải hướng đến mục tiêu quan trọng là giảm chi phí, nếu không giảm được chi phí thì nền kinh tế không cạnh tranh được”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn thẳng những điểm yếu

Khi được hỏi logistic Việt đang có những điểm yếu nào, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp logistic tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực còn nhiều yếu kém và hạn chế.

Bên cạnh đó, điều độ khai thác chưa chuyên nghiệp, khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp chưa tốt và nguồn thông tin về nhu cầu vận chuyển không đủ khiến cho hiệu suất khai thác vận tải không cao, các doanh nghiệp thường chậm áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành.

“Điều này tạo trở ngại rất lớn đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, khiến năng lực của công ty logistic còn chưa cao. Chúng ta phải tính toán khắc phục vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Cải thiện chỉ số hiệu quả logistics lên vị trí 50 thế giới vào năm 2025

Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay là hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Tính kết nối đi đôi với việc phát triển không đồng bộ của 5 loại hình vận tải đã hạn chế việc phát triển của hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Ngoài ra, việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa cũng là một nguyên nhân khiến chi phí vận tải cũng như chi phí logistics nước ta hiện nay còn cao.

Tìm giải pháp mạnh

Để giảm chi phí losgitic, doanh nghiệp trong ngành có cần tăng quy mô hay không? Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vấn đề không chỉ là tăng quy mô lên bằng cách đẩy vốn, tăng năng lực tài chính của doanh nghiệp mà cần phải nhìn rộng hơn là hướng tới tiếp cận một cách sâu hơn, chuyên nghiệp hơn.

“Chúng ta cần phải tham gia sâu vào thị trường này và để làm được cần phải có tính liên kết cao. Hiệp hội có vai trò quan trọng để tạo sự điều chỉnh tốt trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp logistic với nhau, doanh nghiệp logistic với doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp thương mại”, Bộ trưởng nói.

Tăng tính liên kết cũng là vấn đề được Thủ tướng đặc biệt chú trọng. Theo Thủ tướng Chính phủ, tính kết nối của các loại hình vận tải là vấn đề còn nhiều tồn tại khi vận tải đường thủy, đường sắt chiếm thị phần rất thấp, chủ yếu là vận chuyển đường bộ. Tính kết nối, chia sẻ của doanh nghiệp chưa hợp lý như còn tình trạng vận tải một chiều.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành là một trong những giải pháp quan trọng được đưa ra. Nếu biết sử dụng thế mạnh của công nghệ, doanh nghiệp logistic có thể nâng cao chất lượng, trong khi giảm giá thành dịch vụ, từ đó cải thiện sức cạnh tranh trên thị trường.

Để giảm chi phí logistics, đại diện các hiệp hội gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics (VLA), Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Đại lý và môi giới hàng hải ... đều cho rằng, cần phải đồng bộ hạ tầng giao thông để kết nối giữa các phương thức vận tải. Trong bối cảnh đường bộ đang quá tải, cần đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy. Bên cạnh đó, để giảm tình trạng xe chạy rỗng một chiều, cần có sàn giao dịch vận tải đủ mạnh để kết nối giữa chủ hàng và chủ xe.

Khung giá bốc container tại Hải Phòng hiện nay vẫn còn ở mức cao nên các doanh nghiệp đưa container ra ngoài rồi mới đưa lên tàu. Hiệp hội Chủ tàu kiến nghị cần xem xét có lộ trình điều chỉnh giá sàn bốc xếp hàng container tại khu vực Cái Mép - Thị Vải trên cơ sở so sánh với giá cả của các quốc gia lân cận, cũng như có đánh giá đến quy mô, giá trị đầu tư mà các nhà đầu tư đã đầu tư hạ tầng cảng biển tại khu vực này.

Về vấn đề hạ tầng, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất một số giải pháp, trước hết là đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần đường bộ, tăng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính. Mục tiêu thị phần vận tải hàng hóa liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 khoảng 54,4%; đường sắt 4,3%; đường thủy nội địa 32,4%.

Cùng với đó sẽ đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các  nước  láng  giềng.  Xây  dựng  công  trình  giao  thông,  kho  bãi,  trung  tâm logistics  trên  các  tuyến đường,  hành  lang  kết  nối  các  cảng  của  Việt  Nam  với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị bốc xếp và hệ thống kho bãi đáp ứng yêu cầu của vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics…

Trong khi đó, về vấn đề chính sách, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong hoạt động cung cấp dịch vụ logistic, vẫn còn tồn tại các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, nhất là các điều kiện can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, cần được bãi bỏ.

Hiện tại, sự vào cuộc đồng bộ cùng quyết tâm cao của các bộ ngành được kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho ngành logistic Việt. Mục tiêu hướng đến là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Hải Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục