Đón đầu CPTPP và EVFTA, doanh nghiệp dệt may tăng kế hoạch

(ĐTCK) Dù thận trọng trước dự báo sụt giảm nhu cầu tiêu dùng và mức tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm nay, song các doanh nghiệp dệt may vẫn đặt mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu để đón đầu cơ hội mở ra từ các hiệp định CPTPP và EVFTA.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ông Cao Hữu Hiếu - Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, năm 2019 thách thức sẽ nhiều hơn so với năm 2018 do tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm sút, sự bất định từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự kiện Brexit tại châu Âu... dẫn đến rủi ro về tỷ giá và tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu trong lĩnh vực dệt may. Các yếu tố trong nước cũng được dự báo sẽ có nhiều tác động tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may như khả năng tăng lương tối thiểu hay tăng giá điện, từ đó làm tăng chi phí đầu vào.

Song hành với rủi ro là các yếu tố thuận lợi như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) bắt đầu có hiệu lực, cộng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ hoàn tất và ký kết trong năm nay, sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng xuất khẩu vào các thị trường CPTPP và châu Âu.

Trong bối cảnh đó, theo lãnh đạo Vinatex, toàn ngành đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 8-10% với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD, đảm bảo mức kim ngạch xuất khẩu tăng tuyệt đối là trên 3 tỷ USD, trong đó riêng Vinatex phấn đấu mức tăng trưởng tuyệt đối từ 300 triệu USD trở lên, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 5%.

“Để thực hiện mục tiêu trên, các thị trường được nhắm tới là các nước thuộc khối CPTPP với kim ngạch xuất khẩu trên 5,3 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Nhật là hơn 4 tỷ USD, hai thị trường Canada và Australia phấn đấu tăng từ gấp đôi để nâng kim ngạch lên trên 1 tỷ USD. Đối với thị trường EU, dự kiến nếu hoàn tất việc ký kết EVFTA và đưa vào thực thi ngay trong năm nay sẽ giúp tăng được kim ngạch trên 4 tỷ USD, góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu lên hơn 40 tỷ USD”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex dự tính.

Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh, theo ông Trường, Vinatex dự kiến doanh thu năm 2019 tăng 5-7% so với năm 2018, lợi nhuận tăng 12%, đồng thời giữ vững mục tiêu là 1 trong 10 doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn nhất trên TTCK Việt Nam.

Là một trong những thành viên của Vinatex, năm 2019, Tổng CTCP May Việt Tiến đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng thị trường và bạn hàng, nâng cao chất lượng và kim ngạch xuất khẩu để đến năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng giám đốc May Việt Tiến, mục tiêu của Công ty trong năm 2019 là tạo ra sự khác biệt để thực sự vượt lên trở thành "cánh chim đầu đàn" trong ngành may mặc Việt Nam, với thương hiệu và mô thức sản xuất chuyên biệt. Năm 2018, May Việt Tiến đạt doanh thu hợp nhất 16.067 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2017, riêng doanh thu Tổng công ty mẹ đạt 9.290 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 781 tỷ đồng, tăng 7,6%; kim ngạch xuất khẩu đạt 897 triệu USD, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm 33%, Mỹ 21%, EU 14% và thị trường khác 32%.

Với Tổng công ty May 10, ông Thân Đức Việt - Phó tổng giám đốc Công ty cho hay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2019 đạt 3.211 tỷ đồng, lợi nhuận 70 tỷ đồng; cổ tức chi trả ở mức 15%, năng suất bình quân đạt 50 USD/người/ngày… Năm 2018, May 10 đạt tổng doanh thu 3.007,48 tỷ đồng, bằng 96,8% so với kế hoạch đề ra, nhưng lợi nhuận đạt 66 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch và tăng 5,6 % so với thực hiện năm 2017.

Để đón đầu các cơ hội khi CPTPP đi vào thực thi và EVFTA dự kiến được thông qua trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp sản xuất sợi và dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Sợi Thế Kỷ (STK), Dệt may Thành Công (TCM), Tập đoàn Phong Phú (PPH)... cũng đã lên kế hoạch tăng cường đầu tư.

Lãnh đạo STK cho biết đang đẩy nhanh hoàn tất việc phát hành trên 10,8 triệu cổ phiếu trong đầu năm 2019 để huy động hơn 66 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án Tràng Bảng 5 nhằm tăng công suất sợi DTY và Ployester Chip để sản xuất sợi tái chế.

“Theo kế hoạch, mảng sợi tái chế sẽ đóng góp 14% tỷ trọng doanh thu của STK trong năm 2018 và lần lượt tăng lên 20% và 30% trong giai đoạn 2019-2020. Với việc gia tăng đầu tư vào mảng này, STK nhắm tới các đơn hàng sợi tái chế và chiến lược tăng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất - kinh doanh”, đại diện STK chia sẻ.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục