Doanh nghiệp xã hội có triển vọng phát triển khả quan

(ĐTCK) Doanh nghiệp xã hội là mô hình tạo ra giá trị kinh tế xã hội toàn diện và có triển vọng phát triển khả quan nếu có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển loại hình doanh nghiệp này. 

Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị Doanh nghiệp xã hội và Phát triển bền vững do Tạp chí Kinh tế Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức sáng 28/8, tại Hà Nội.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, khái niệm doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội, bên cạnh đó, có hàng chục ngàn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội.

Các doanh nghiệp xã hội đó đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, như: thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính; yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp xã hội; truyền thông và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp Xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình này doanh nghiệp này còn hạn chế,...

"Đây là những bất cập cần được khắc phục để tạo điều kiện thúc đẩy mô hình doanh nghiệp này phát triển trong thời thời gian tới", ông Thành nhấn mạnh. 

Doanh nghiệp xã hội có triển vọng phát triển khả quan ảnh 1

Toàn cảnh hội nghị

Các số liệu khảo sát tại Báo cáo “Thúc đẩy phát triển khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố mới đây đã đưa ra những con số rất đáng quan tâm về bức tranh phát triển của mô hình doanh nghiệp này.

Theo đó, 72% số doanh nghiệp tạo tác động có quy mô siêu nhỏ về doanh thu (dưới 3 tỷ đồng/năm). 28% còn lại nằm trong nhóm nhỏ về doanh thu. Tuy nhiên có một số rất ít doanh nghiệp có quy mô vừa về với doanh thu năm khoảng trên 100 tỷ đồng.

Ước tính quy mô trung bình của doanh nghiệp tác động vào năm 2017 là 3.9 tỷ đồng về doanh thu năm. Một phần quy mô nhỏ về doanh thu này là bởi số lượng 40% doanh nghiệp mới thành lập với 3 năm kinh nghiệm, và tuổi trung bình là hơn 7 năm. Các hình thức tổ chức phi lợi nhuận có đến 79% có doanh thu nhỏ hơn 3 tỷ đồng.

Có khoảng 30% số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế có doanh thu nằm ở mức trên 3 tỷ đồng. 23% số doanh nghiệp có doanh thu trên 10 tỷ là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế. 39% số hợp tác xã có doanh thu trên 3 tỷ đồng/năm.

Đáng chú ý, mặc dù quy mô về doanh thu nhỏ, nhưng 70% số doanh nghiệp có lãi, 18% đạt điểm hòa vốn, chỉ có 12% đang ở trạng thái lỗ. Các doanh nghiệp lỗ và hòa vốn là những doanh nghiệp được thành lập gần đây 2016, 2017 vì đang ở giai đoạn khởi sự.

Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp khá lạc quan về triển vọng phát triển, chỉ có 1% cho rằng doanh thu sẽ giảm, 7% giữ nguyên về doanh thu và 92% dự kiến tăng doanh thu, trong đó 34% cho rằng sẽ tăng một cách đáng kể.

“Kết quả này một lần nữa khẳng định mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội là mô hình tạo ra giá trị, giá trị xã hội, giá trị môi trường và giá trị kinh tế. Điều này có thể lý giải bởi tính đạo đức trong kinh doanh của mô hình này, tạo sự bền vững trong trung và dài hạn của doanh nghiệp cả về uy tín cũng như tài chính”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh.

Báo cáo cũng ghi nhận Việt Nam đã rất tiến bộ trong việc ghi nhận doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp 2014. Việt Nam đã có một hệ sinh thái khá phát triển cho khu vực doanh nghiệp, tạo tác động bao gồm khung pháp lý, các tổ chức trung gian, ươm tạo, các chính sách về khởi nghiệp đang nở rộ, có được sự ủng hộ của cộng đồng, các hoạt động đào tạo nghiên cứu, tuy nhiên vẫn thiếu vắng các chính sách cụ thể, cũng như sự tham gia chưa sâu của khu vực thương mại vào hỗ trợ khu vực này.

Theo bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam có hệ thống sinh thái khởi nghiệp rất ấn tượng và phát triển nhanh chóng cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội.

Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội, tuy nhiên những chính sách này cần được bổ sung bằng những hoạt động thúc đẩy thực hiện. 

Để doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển bền vững, UNDP đề xuất có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính; hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp tạo tác động xã hội; xây dựng năng lực và tăng cường sự phối hợp.

Về phần mình, CIEM đưa ra các khuyến nghị chính sách chính bao gồm phát triển kinh tế tuần hoàn như là giải pháp hướng đến phát triển bền vững mà trong đó doanh nghiệp tạo tác động có thể tham gia vào để tạo việc làm, cũng như đổi mới sáng tạo, tạo ra các nền công nghiệp xanh; xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng hơn về doanh nghiệp xã hội để từ đó áp dụng các cơ chế ưu đãi về thuế cho phù hợp; cơ quan chuyên trách về kinh doanh tạo tác động; thiết lập mạng lưới, hiệp hội đại diện các doanh nghiệp tạo tác động, thúc đẩy phát triển thị trường cho khu vực doanh nghiệp tạo tác động thông qua tăng cường mua sắm công, hỗ trợ tiếp cận khu vực tư nhân, nâng cao năng lực bằng việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, lồng ghép khởi nghiệp xã hội, tinh thần kinh doanh xã hội vào trong đào tạo đại học và dưới đại học, thiết lập các mạng lưới kết nối online và offline để thúc đẩy quan hệ đối tác trong và ngoài khu vực, trong nước và quốc tế….

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục